Tìm kiếm
Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022)
False 18351Ngày cập nhật 01/08/2022

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022), xin trân trọng giới thiệu tới đoàn viên, CNVCLĐ về tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ- tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, một người con ưu tú của dân tộc đã trọn đời hy sinh vì Tổ quốc. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội Bắc Kỳ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam. Đồng chí cũng là người sáng lập, đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Hải Phòng và khu mỏ Hồng Gai; sáng lập Báo Lao Động năm 1929.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng rất sôi nổi và phong phú. Đang nhiệt tình, hăng say trong hoạt động cách mạng cho Đảng, cho dân tộc thì ông bị địch bắt khi đang trên đường đi công tác. Chúng giải ông về Sở Mật thám thành phố Vinh.

Suốt gần một tháng trong lao tù, Nguyễn Đức Cảnh bị tra tấn và hành hạ với đủ những ngón đòn tàn bạo của kẻ thù: Dùi cui, “điện khô”, “điện nước”, “máy bay”, “tàu thủy”… Trước những đòn tra tấn dã man, những thủ đoạn xảo quyệt, kể cả dụ dỗ, mua chuộc, Nguyễn Đức Cảnh không hề khuất phục, không khai một lời; một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản.

Cuối tháng 4.1931, Nguyễn Đức Cảnh bị giải từ Vinh ra Hà Nội, giam tại nhà giam Hỏa Lò và tiếp tục bị tra tấn dã man. Tại phiên tòa đế quốc Pháp xử tù chính trị ở Hà Nội, với lời lẽ đanh thép, Nguyễn Đức Cảnh dùng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để lên án chế độ thực dân cướp nước, bác bỏ mọi lời buộc tội của chúng. Mặc dù vậy, ông vẫn bị tòa án thực dân kết án tử hình.

Ngày 30.7.1932, chúng đưa ông về Nhà lao Hải Phòng.

5h sáng ngày 31.7.1932, chúng đưa ông ra pháp trường xử tử. Trước lúc vĩnh biệt bạn bè, ông ngẩng cao đầu bước lên máy chém.

Một tên tay sai của thực dân Pháp đã thú nhận: “Tôi đã dự nhiều vụ xử chém, nhưng chưa thấy anh nào can đảm và bình tĩnh trước cái chết như anh Cảnh... Anh thản nhiên như không có chuyện gì, thế mới lạ, mới ghê chứ! Cố đạo Pháp làm phép rửa tội, anh Cảnh bảo: Không có tội gì mà rửa. Quan tòa cho uống rượu mạnh, anh bảo: Không cần! Rồi anh ung dung bước lên máy chém. Thật đáng phục!”.

Lãnh tụ, anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Đức Cảnh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, là tấm gương sáng chói về người chiến sỹ cộng sản của giai cấp công nhân Việt Nam.

Võ Thị Thanh Tuyền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 6.000