Tìm kiếm
Hướng dẫn quy trình thực hiện hoạt động khuyến công địa phương
False 10396Ngày cập nhật 04/11/2023

Căn cứ Quyết định số 74/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quy chế về quản lý và sử dụng kinh phí kinh tế đối với hoạt động khuyến công; Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về quản lý và sử dụng kinh phí kinh tế đối với hoạt động khuyến công ban hành kèm theo Quyết định số 74/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; Công văn số 377/SCT-XTTM ngày 02/3/2022 của Sở Công Thương về việc hướng dẫn quy trình thực hiện hoạt động khuyến công địa phương;
 

Nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động khuyến công địa phương, đảm bảo phù hợp quy định về quản lý và sử dụng kinh phí kinh tế đối với hoạt động khuyến công, UBND huyện hướng dẫn quy trình thực hiện hoạt động khuyến công địa phương nguồn vốn huyện như sau:

1. Trình tự xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương.

Bước 1: Hàng năm, trước ngày 30 tháng 7, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có văn bản thông báo và hướng dẫn UBND các xã, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã) đăng ký kế hoạch khuyến công địa phương cho năm kế hoạch.

Bước 2: UBND cấp xã triển khai tổng hợp nhu cầu đăng ký đề án khuyến công của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn) trên địa bàn theo mẫu (phụ lục 2 kèm theo).

Sau khi tổng hợp nhu cầu, UBND cấp xã gửi hồ sơ đăng ký kế hoạch khuyến công địa phương theo mẫu (Phụ lục 1 và 2 kèm theo) về Phòng Kinh tế và Hạ tầng trước ngày 30 tháng 8.

* Ghi chú: Đối với đề án điểm đã được phê duyệt năm đầu, đơn vị thực hiện tiếp tục đăng ký cho các năm tiếp theo (Phụ lục 3 kèm theo).

Bước 3: Căn cứ hồ sơ đăng ký của UBND cấp xã và sau khi có văn bản bố trí ngân sách địa phương của Ủy ban nhân dân huyện; Phòng Kinh tế và Hạ tầng tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế tại các đơn vị đăng ký thực hiện đề án.

Bước 4: Căn cứ kết quả khảo sát và nguồn kinh phí được bố trí, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch khuyến công địa phương cho năm kế hoạch để triển khai thực hiện; tổng hợp, tham mưu UBND huyện đăng ký đề án khuyến công địa phương nguồn vốn tỉnh; đồng thời thông báo kế hoạch khuyến công địa phương năm kế hoạch cho Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Trình tự triển khai kế hoạch, đề án khuyến công địa phương như sau:

Bước 1: Căn cứ kế hoạch khuyến công địa phương của UBND huyện; phòng Kinh tế và Hạ tầng tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện xây dựng hồ sơ đề án. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp phòng Kinh tế và Hạ tầng hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị thực hiện xây dựng hồ sơ đề án theo đúng quy định.

Bước 2: Đơn vị được UBND huyện phê duyệt theo danh mục Đề án đưa vào Kế hoạch khuyến công, tiến hành lập hồ sơ đề án khuyến công địa phương theo mẫu (Phụ lục 4 và 5 kèm theo) gửi về UBND cấp xã tổng hợp, đề nghị Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ thực hiện.

Bước 3: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề án khuyến công địa phương; Phòng Kinh tế và Hạ tầng thành lập Tổ thẩm định đề án kiểm tra các tài liệu liên quan, số lượng hồ sơ theo quy định và trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ đề án khuyến công theo mẫu (Phụ lục 6 kèm theo). Hồ sơ đề án khuyến công đơn vị thực hiện nộp tại Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện.

Bước 4: Sau khi nhận được hồ sơ đề án; Tổ thẩm định đề án kiểm tra các tài liệu liên quan, số lượng, nội dung hồ sơ theo quy định.

- Trường hợp hồ sơ đề án chưa đảm bảo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có văn bản hướng dẫn đơn vị thực hiện hoàn chỉnh, bổ sung; đồng thời, gửi về UBND cấp xã liên quan và UBND huyện để biết chỉ đạo.

- Trường hợp hồ sơ đề án đảm bảo quy định, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề án khuyến công, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện kiểm tra, thẩm định, đánh giá hồ sơ đề án khuyến công và có Tờ trình gửi UBND huyện xem xét, quyết định.

Bước 5: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, UBND huyện xem xét phê duyệt đối với các đề án khuyến công có mức hỗ trợ kinh phí đến 200 triệu đồng.

Trên cơ sở Quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án của UBND huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng ký hợp đồng với các đơn vị được phê duyệt đề án khuyến công (chủ đề án).

Bước 6: Chủ đề án tổ chức thực hiện đề án khuyến công theo các nội dung đã được phê duyệt, các điều khoản của hợp đồng ký kết và các quy định hiện hành; sử dụng kinh phí đúng dự toán, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định hiện hành

- Hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện đề án theo mẫu (Phụ lục 8 kèm theo) gửi về Phòng Kinh tế và Hạ tầng và UBND cấp xã để biết; cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến quá trình thực hiện đề án;

- Khi thực hiện xong nội dung đề án khuyến công, có văn bản báo cáo kết quả triển khai đề án theo mẫu (Phụ lục 9 kèm theo) và đề xuất xin ý kiến về việc nghiệm thu cơ sở đề án gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng và báo UBND cấp xã để biết phối hợp.

- Trong quá trình triển khai đề án khuyến công, nếu dự án sản xuất kinh doanh của cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động không hiệu quả, muốn chuyển đổi mô hình sản xuất khác hoặc ngừng hoạt động phải báo cáo với UBND cấp xã nơi đăng ký triển khai thực hiện đề án và UBND huyện để có hướng xử lý.

Bước 7: Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của đơn vị thực hiện về việc nghiệm thu cơ sở đề án khuyến công, Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra, đánh giá đề án.

- Trường hợp đề án đã đảm bảo các điều kiện tổ chức nghiệm thu cơ sở: Phòng Kinh tế và Hạ tầng báo cáo UBND huyện và triển khai công tác nghiệm thu cơ sở đề án.

- Trường hợp đề án chưa đảm bảo các điều kiện để tổ chức nghiệm thu cơ sở: Phòng Kinh tế và Hạ tầng có văn bản trả lời cho đơn vị thực hiện; đồng thời gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã và UBND huyện để biết phối hợp, chỉ đạo thực hiện.

Bước 8: Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp UBND cấp xã nơi thực hiện đề án và các đơn vị thụ hưởng kinh phí khuyến công nghiệm thu các đề án khuyến công; thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

3. Trường hợp phải điều chỉnh đề án khuyến công đã được phê duyệt:

3.1. Trường hợp điều chỉnh làm thay đổi tính chất quy mô của đề án như: thay đổi thiết bị, thông số kỹ thuật, kinh  phí... thực hiện các bước như trình tự xây dựng đề án.

3.2. Trường hợp điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, quy mô của đề án như: gia hạn, thay đổi thời gian thực hiện,…; triển khai theo các bước sau:

Bước 1: Đơn vị thực hiện đề án khuyến công có hồ sơ đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện đề án gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND cấp xã nơi đăng ký triển khai đề án.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề án đầy đủ, hợp lệ; Phòng Kinh tế và Hạ tầng có ý kiến bằng văn bản báo cáo UBND huyện; đơn vị thực hiện nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh đề án tại UBND cấp xã hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng.

Bước 3: Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh đề án; Phòng Kinh tế và Hạ tầng kiểm tra các tài liệu liên quan; trường hợp hồ sơ đề án chưa đảm bảo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có văn bản hướng dẫn đơn vị thực hiện hoàn chỉnh, bổ sung; đồng thời gửi về UBND huyện để báo cáo.

Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề án đầy đủ, hợp lệ; Phòng Kinh tế và Hạ tầng đánh giá, có Tờ trình báo cáo, đề xuất cụ thể trình UBND huyện.

Bước 5: UBND huyện xem xét, quyết định gia hạn, điều chỉnh thời gian thực hiện đề án.

4. Trường hợp ngừng thực hiện đề án khuyến công đã được phê duyệt

4.1. Trường hợp đơn vị thực hiện đề nghị ngừng triển khai đề án, triển khai theo các bước sau:

Bước 1: Đơn vị thực hiện đề án khuyến công có hồ sơ đề nghị ngừng đề án báo cáo giải trình lý do ngừng thực hiện đề án gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND cấp xã nơi đăng ký triển khai đề án.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị ngừng đề án đầy đủ, hợp lệ; Phòng Kinh tế và Hạ tầng có ý kiến bằng văn bản về việc ngừng thực hiện đề án gửi UBND huyện, đơn vị thực hiện nộp hồ sơ đề nghị ngừng đề án tại Phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc tại UBND cấp xã nơi đăng ký triển khai đề án.

Bước 3: Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị ngừng đề án; Phòng Kinh tế và Hạ tầng kiểm tra các tài liệu liên quan, số lượng, nội dung hồ sơ.

 + Trường hợp hồ sơ đề án chưa đảm bảo quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có văn bản hướng dẫn đơn vị thực hiện hoàn chỉnh, bổ sung; đồng thời gửi về UBND huyện để biết chỉ đạo.

+ Trường hợp hồ sơ đề án đảm bảo quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ngừng triển khai đề án; Phòng Kinh tế và Hạ tầng đánh giá, có tờ trình báo cáo, đề xuất cụ thể trình UBND huyện.

Bước 4: UBND huyện xem xét, quyết định ngừng thực hiện đề án

4.2. Trường hợp các đề án, nhiệm vụ khuyến công có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện hoặc không đáp ứng được yêu cầu: Phòng Kinh tế và Hạ tầng đánh giá, có tờ trình báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND huyện để xem xét, quyết định.

5. Bổ sung danh mục đề án khuyến công: Trước tháng 6 và tháng 9 hằng năm, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có văn bản đề nghị UBND cấp xã đăng ký bổ sung danh mục đề án khuyến công địa phương để xem xét, bổ sung kế hoạch khuyến công của năm thực hiện; trình tự thực hiện như mục 1 (từ bước thứ hai) và mục 2.

6. Báo cáo, kiểm tra, giám sát

- Các đơn vị thực hiện đề án khuyến công có trách nhiệm báo cáo về UBND huyện (thông qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng) về tiến độ và kết quả thực hiện đề án theo qui định; cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến quá trình thực hiện đề án; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đề án khuyến công.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai các đề án khuyến công; giải quyết hoặc tham mưu giải quyết các vấn đề có liên quan.

Trên đây là Hướng dẫn quy trình thực hiện hoạt động khuyến công địa phương nguồn vốn huyện. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về UBND huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng) để tổng hợp, xem xét, quyết định./.

 

Tập tin đính kèm:
Phạm Tấn Quý
Các tin khác
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 2.944