Tìm kiếm
Phóng sự: Hướng đi mới cho người chăn nuôi
False 4605Ngày cập nhật 08/10/2013

Ở huyện miền núi Nam Đông chăn nuôi chiếm tỷ trọng đáng kể trong thu nhập kinh tế hộ gia đình. Để chủ động nguồn con giống tại chổ và từng bước nạc hóa đàn lợn, huyện Nam Đông đã triển khai đề án phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Từ tín hiệu khả quan ban đầu, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới cho người dân trên địa bàn.

Chị Lê Thị Hình là một trong 41 hộ đầu tiên trên địa bàn xã Hương Hữu đăng ký tham gia đề án phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao. Đến nay, những con lợn nái F1 của gia đình chị Lê Thị Hình, ở thôn 2, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông đã sinh sản lứa thứ hai với 30 lợn con. Lợn con khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao hơn so với những lứa nuôi lợn nái Móng Cái trước đây là điều khiến chị Hình hết sức vui mừng. Chị Lê Thị Hình chia sẻ: “Gia đình em nuôi được 2 con lợn nái, đẻ một lứa như rứa một năm 2 lần mà em hai em hai con nái là 4 lứa được 40 con heo thịt. Bán ra một con hai triệu rưỡi tính ra cũng gần 60 triệu đồng mà chưa trừ tiền thức ăn”.

 

Để chủ động nguồn con giống tại chổ và từng bước nạc hóa đàn lợn, qua triển khai thực hiện đề án toàn huyện, có 168 hộ của 10 xã, thị trấn nhận nuôi 212 con lợn giống F1, với tổng kinh phí 141 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ chi phí nuôi 750 ngàn đồng mỗi con lợn nái F1 sinh sản lứa đầu cho 130 hộ với tổng số tiền gần 98 triệu đồng. Nhìn chung, lợn con sinh ra tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, bình quân từ 8-10con/ổ. Quan trọng nhất là sự chuyển biến về nhận thức của người dân, họ đã chủ động tiếp cận, hưởng ứng và tham gia tích cực vào đề án. Không chỉ chú trọng việc xây dựng chuồng trại, thức ăn, vệ sinh để đàn lợn sinh sản tốt mà người dân, nhất là ở các xã định canh định cư đã quan tâm hơn đến việc tiêm phòng cho đàn lợn. Cho biết về tình hình thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn lợn trên địa bàn xã Hương Hữu, Anh Trần Văn Thây, Cán bộ Thú y xã Hương Hữu, huyện Nam Đông nói: “Xã Hương Hữu nuôi lợn nái F1 khoảng 60 con. Lợn nái F1 dễ nuôi, chúng tôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tức là một năm tiêm phòng gia súc 2 lần để tránh dịch bệnh xảy ra trên địa bàn”. Kỹ sư Nguyễn Long, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Nam Đông đánh giá về hiệu quả bước đầu: “Trước đây, bà con nuôi lợn nái Móng Cái thì con lợn đẻ ra tỷ lệ nạc thấp. Đến nay, chương trình nạc hóa đàn lợn này bà con thấy nuôi lợn nái F1 đẻ lợn con ra nuôi thịt tỷ lệ nạc cao, bán được giá hơn so với lợn Móng Cái trước đây".

Từ những tín hiệu khả quan này cùng với lợi thế của địa phương về nguồn thức ăn sẵn có, ít xảy ra dịch bệnh…là điều kiện thuận lợi để phát triển các gia trại, trang trại. Tuy nhiên, sản phẩm hiện nay chủ yếu phục vụ tại địa bàn, một số ít tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh, khi nguồn cung lớn thì bị tư thương ép giá. Vì vậy, thị trường đầu ra cho sản phẩm là vấn đề người dân rất quan tâm và cần có sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành tìm hướng ra cho người nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh đàn lợn và ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.247.218
Truy cập hiện tại 789