Tìm kiếm
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đến thăm và làm việc tại huyện Nam Đông
False 4012Ngày cập nhật 26/07/2013

Chiều 25-7, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra và làm việc tại huyện Nam Đông về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Nam Đông. Đi cùng đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của Tỉnh.

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số công trình giao thông, trường học, hộ gia đình trên địa bàn huyện, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nghe huyện Nam Đông báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng NTM. Thay mặt lãnh đạo huyện, ông Ngô Văn Chiến- Chủ tịch UBD huyện Nam Đông đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh theo hướng hàng hoá, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các vùng chuyên canh với diện tích khá lớn. Cao su là cây chủ lực có tổng diện tích 3.538 ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác 2100ha, sản lượng đạt 7.000 tấn mủ nước/năm. Keo nguyên liệu gỗ dăm 4.250ha, diện tích khai thác hàng năm 700ha, sản lượng đạt 70.000 tấn. Vườn cây ăn quả 580ha, chủ yếu là chuối, cau, cây có múi. Nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn như cao su, keo lai, chuối nuôi cấy mô, sắn công nghiệp, bò lai sind, lợn siêu nạc, ong mật... Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng được chú trọng, như phối tinh nhân tạo cho bò, lợn; khảo nghiệm lựa chọn giống lúa phù hợp, có năng suất, chất lượng cao, tổ chức sản xuất giống lúa tại chỗ. Nhận thức của phần lớn nông dân đã có chuyển biến mạnh mẽ, từ thói quen trồng trọt dựa vào độ phì tự nhiên sang trồng cây có sử dụng phân bón; từ hình thức chăn nuôi thả rong chuyển sang hình thức nuôi nhốt chuồng có đầu tư thâm canh, bán thâm canh; chuyển từ sản xuất dựa vào đầu tư, hỗ trợ của nhà nước sang người nông dân chủ động, tự túc phần lớn. Tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản ước thực hiện năm 2013 là 137,7 tỷ đồng (giá cố định năm 1994) tăng 16% so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2013 là 17%. Giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN phấn đấu đến cuối năm 2013 đạt 54,0 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 37,9 tỷ so với năm 2008. Nhìn chung lĩnh vực công nghiệp-TTCN có bước phát triển tích cực, bước đầu đã giải quyết lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và tăng nguồn thu ngân sách. Các ngành nghề phổ biến hiện nay như chế biến cao su mủ cốm, sản xuất đá ốp lát, khai thác vật liệu xây dựng, may công nghiệp, đan lát mây tre, làm chổi đót… đã tận dụng được nguồn lao động nông nhàn, lao động yếu thế. Toàn huyện có 348 cơ sở tư nhân tham gia sản xuất, chế biến, tăng 81 cơ sở so với năm 2008. Giá trị sản xuất dịch vụ, thương mại ước thực hiện đến cuối năm 2013 đạt 72,0 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 31,6 tỷ so với năm 2008. Nhìn chung các hoạt động dịch vụ phát triển khá, có chất lượng, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống. Qua 5 năm thực hiện nghị quyết, kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư khá đồng bộ. Các tuyến đường liên xã, trục xã, đường liên thôn, trục thôn đã được làm mới và nâng cấp là 10,3 km, đưa tỷ lệ đường giao thông đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 92%, tăng 22% so với năm 2008. Đến nay, hệ thống giao thông thông suốt từ huyện đến tất cả các thôn, bản. Tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 99,9%, và dự kiến đến cuối năm 2013 đạt 100%. Huyện đã quy hoạch mạng lưới trường lớp của các ngành học, cấp học ngày càng ổn định và đảm bảo tiến độ theo quy hoạch của UBND tỉnh giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Hệ thống trường học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư trang cấp theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa. Đến nay, có 100% trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được nối mạng Intrenet; có 17 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Huyện đầu tư xây dựng 10 trạm y tế xã, quy mô, kết cấu 2 tầng kiên cố, khang trang, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các xã… Tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng, kinh tế, xã hội nông thôn 5 năm qua toàn huyện là 302 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 270,8 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2012 chỉ còn 10,77%; phấn đấu đến cuối năm 2013 còn khoảng 9,61%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 15,36 triệu đồng, phấn đấu đến cuối năm 2013 đạt 17,48 triệu đồng. Mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu có 8/10 xã đạt chuẩn NTM, đưa Nam Đông trở thành huyện NTM. Riêng năm 2013, toàn huyện phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM… Thay mặt lãnh đạo huyện, ông Ngô Văn Chiến đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét tăng mức đầu tư xây dựng NTM đối vùng miền núi; vì điều kiện kinh tế xã hội, đời sống nhân dân còn thấp nên việc huy động kinh phí gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp ít đầu tư vào địa bàn nông thôn miền núi, giá đất thấp nên khó thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Huyện đề nghị Chính phủ cho rà soát chuyển một số đất chưa có rừng ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, Ban Quản lý Rừng phòng hộ phân bố liền kề với vùng sản xuất của nhân dân để phân bổ đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất và thiếu đất sản xuất. Chính phủ ưu tiên đầu tư các tuyến đường vào trung tâm sản xuất như vùng Cha Mon xã Thượng Lộ; vùng Cha Lai, Ma Rai xã Thượng Nhật để nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập để nâng cao đời sống. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ niềm vui trước những kết quả đạt được của huyện Nam Đông trong thời gian qua; nhất là đời sống người dân đã có nhiều chuyển biến đáng kể; kết cấu hạ tầng khá khang trang. Phó Thủ tướng yêu cầu huyện Nam Đông cần tăng cường đầu tư hơn nữa về kết cấu hạ tầng để xứng tầm huyện NTM sắp tới. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ để mang tính bền vững cao, gắn với đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Huyện cần tổ chức thu hút, liên kết với các doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho nông sản một cách thuận lợi; quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Namdong.hue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.247.218
Truy cập hiện tại 3.809