Tìm kiếm
Cô giáo Cắm Bản
False 5005Ngày cập nhật 22/11/2016

Để đem 'con chữ' đến cho các em học sinh vùng cao, nhiều giáo viên của huyện miền núi Nam Đông đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh. Những giáo viên phải 'bốn cùng': cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ ngôn ngữ với các em, mới có thể dạy tốt được. 

46 tuổi, cô Hoàng Thị Ngọc Lan đã có 19 năm gắn bó với các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Yêu cái nghề, không ngại khó, ngại khổ,  ngày ngày cô tận tâm gieo những con chữ đầu tiên cho các cháu. Khi mới nhận công tác, điều kiện cơ sở, vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng vấn đề lớn nhất lại là ngôn ngữ. Chính sự hồn nhiên, vô tư của các em và tình cảm chan hòa, gần gũi của phụ huynh là động lực lớn nhất thôi thúc cô học chữ của người đồng bào dân tộc CơTu. Biết tiếng và phong tục tập quán của bà con, cô và nhiều đồng nghiệp khác đã nhiều kỷ niệm khó quên khi đến từng hộ gia đình vận động cho các cháu đến trường. Cô Hoàng Thị Ngọc Lan nhớ lại: “Khi mới nhận công tác, điều kiện cơ sở vật chất ở đây còn nhiều khó khăn, chỉ có 2 lớp học. Lúc ấy các em nghĩ học nhiều, bản thân đến từng gia đình vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, nhiều gia đình tôi đi vận động 3 đến 4 đêm…Vất vả là thế, nhưng tôi vẫn thích nghề giáo viên”.    

          Với đức tính giản dị, gần gũi chan hòa, cô Lan luôn được học trò, đồng nghiệp  yếu quý, bản thân cô là tấm gương sáng về sự nỗ lực vượt khó vươn lên. Được các thế hệ giáo viên trẻ yêu quý, trân trọng. Đối với các đồng nghiệp trẻ cô Lan luôn trao đổi kinh nghiệm sư phạm trong truyền đạt, dậy dỗ các em học sinh. Từ những kinh nghiệm được chia sẻ giúp giáo viên trẻ yêu nghề và gắn bó với học sinh vùng cao, thêm gắn bó với công việc của mình. Cô Đỗ Thị Hoài My - Giáo viên trường Mầm non Thượng Nhật, Nam Đông cho biết: “Cô Lan rất nhiệt tình trong công tác, thường xuyên giúp đõ đồng nghiệp, đặc biệt là đối với giáo viên trẻ. Với vai trò là cán bộn quản lý, nhưng có học sinh nghĩ học là cô đích thân đến gia đình vận động, bởi vậy phụ huynh, học sinh rất mến cô”.

Sau những bài giảng trên lớp, cô Lan lại tất bật với cuộc sống gia đình. Gần 20 năm công tác ở vùng sâu, vùng xa đến nay cô giáo Hoàng Thị Ngọc Lan thêm yêu mảnh đất này. Điều đó được thể hiện với một cuộc sống gia đình trọn vẹn với chồng và 2 con chăm ngoan, học giỏi. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể, cán bộ giáo viên trong nhà trường, trong những năm qua chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 100%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Bản thân cô cũng nhiều năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, là giáo viên dậy giỏi cấp huyện nhiều năm liên tục, được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

 “Cô Lan được đánh giá rất cao trong công tác chuyên môn, cũng như vai trò cán bộ quản lý. Nhiều năm liền cô được tặng bằng khen, giấy khen các cấp. Đối với công tác phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi, Trường Mầm non Thượng Nhật là một trong những trường đầu tiên của huyện đạt chuẩn”. Thầy Lê Quang Thẩm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông khẳng định. Tâm huyết với nghề, âm thầm gieo chữ cho các em học sinh ở vùng cao, những cô giáo ở trường Mầm non Thượng Nhật nói riêng và ở các trường khác trên địa bàn huyện Nam Đông nói chung dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng rất tự hào vì đã góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào công tác nâng cao dân trí của huyện nhà, ươm mần xanh tương lai cho quê hương, đất nước./.

Tin, ảnh: Tiến Dũng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.207.152
Truy cập hiện tại 5.900