Tìm kiếm
Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã với công tác bảo vệ rừng
False 7910Ngày cập nhật 09/06/2016

Vườn Quốc gia Bạch Mã (VQG Bạch Mã) được thành lập năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) với diện tích là 22.031 ha. Trước yêu cầu về công tác bảo tồn, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh mở rộng diện tích VQG Bạch Mã lên 37.487 ha, thuộc địa bàn của hai tỉnh T.T. Huế và Quảng Nam. 

Vườn Quốc gia Bạch Mã có chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước và góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định sản xuất nông nghiệp trong khu vực, đặc biệt là ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Vườn được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương với hơn 2.373 loài thực vật, và hơn 2.151 loài động vật sinh sống còn có giá trị dịch vụ sinh thái rất lớn, trong đó có nhiều loài động vật quy hiếm ưu tiên bảo vệ  như Mang, Trĩ Sao, Vooc, Saola… Tuy nhiên, Vườn quốc gia Bạch Mã hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học cũng như sự tồn tại của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Mối đe dọa trực tiếp và lớn nhất đối với VQG Bạch Mã chính là nạn khai thác gỗ trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm, Vườn quốc gia Bạch Mã, năm 2015, lực lượng Kiểm lâm Vườn đã xử lý 63 vụ vi phạm hành chính về khai thác, vận chuyển gỗ. Đặc biệt, đầu năm 2016, trên địa bàn xã Hương Lộc đã xảy ra vụ việc 05 đối tượng khai thác gỗ trái phép tấn công gây thương tích cho lực lượng Kiểm lâm của Vườn khi thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Võ Phi Hải – Trạm trưởng trạm kiểm lâm Thượng Nhật, thuộc Hạt kiểm lâm VQG Bạch Mã cho biết: “Như chúng ta biết rừng có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, nếu không giữ thì rừng sẽ không còn, nếu không có rừng thì sẽ không có nước, hạn hán, lũ lụt sẽ xẩy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trước tiên là những người sống gần rừng. Để quản lý, bảo vệ thật tốt diện tích rừng trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn các vụ khai thác gỗ trái phép, lực lượng Kiển lâm của Trạm thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát; phối hợp nhiều lực lượng trên địa bàn để tổ chức truy quét. Trong quá trình thực hiện, các cấp chính quyền địa phương luôn ủng hộ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực, thời tiết không thuận lợi… nhưng chúng tôi đã nỗ lực khắc phục để bố trí thêm chốt kiểm tra, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng luân phiên, liên tục, quyết tâm đẩy lùi nạn khai thác gỗ trái phép.”

 Một mối đe dọa không kém phần nghiêm trọng khác là nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép. Những hành động này là hành vi trái pháp luật, đáng bị lên án. Khi được hỏi về tình hình các loài động vật hoang dã trong rừng Bạch Mã, ông Hồ Thượng Nam ở thôn 7 xã Thượng Nhật tâm sự:  “Trước kia vào rừng, Già hay gặp động vật lắm, có cả thú, chim như mấy con Mang, con Khỉ, gà rừng... Mấy năm này Già vẫn đi vào rừng nhưng ít khi thấy. Già sợ là đến hồi con hồi cháu của già chắc không thấy, không biết mấy con đó nữa…”

Việc bảo vệ Vườn quốc gia Bạch Mã không phải chỉ là bảo vệ môi trường sống của các loài hoang dã, mà là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Không chặt cây, phá rừng làm nương rẫy, săn bắn, đặt bẫy động vật rừng là những hành động thiết thực, đầy ý nghĩa, hạn chế thiên tai, bảo vệ mùa màng.

Tin, ảnh: Văn Phúc - Tiến Dũng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.219.167
Truy cập hiện tại 4.812