Tìm kiếm
Nam Đông nhức nhối nạn tảo hôn
False 3470Ngày cập nhật 25/04/2016

Năm 2015, trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có tới 17 trường hợp tảo hôn, tăng 7 trường hợp so với năm 2014. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các xã định canh định cư mà còn xảy ra ở các xã kinh tế mới. Mặc dù chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng xem ra vẫn không mấy khả quan.         

 

 

Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, chị Phạm Thị Xưng đang bụng mang dạ chửa vẫn chăm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Gọi là chị nhưng năm nay Xưng chỉ vừa tròn 17 tuổi. Cái tuổi đẹp nhất của 1 người con gái, thế mà giờ đây đang phải chạy vạy lo từng bữa ăn, chăm lo cho cái gia đình nhỏ của mình. Nhất là khi đứa con trong bụng sắp chào đời, rồi đây không biết cái gia đình nhỏ ấy sẽ ra sao bởi cả 2 vợ chồng vẫn đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa có nhận thức đầy đủ trong hôn nhân và trách nhiệm với gia đình. Chị Phạm Thị Xưng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, TT Huế lo lắng: “Mình ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc lấy chồng năm 16 tuổi, mặc dù gần sinh rồi, nhưng mình vẫn phải đi làm để kiếm cái mà ăn. Mình đang rất lo không biết vài bữa sinh con, lấy cái gì mà ăn đây”. 

Biết sai mà vẫn cố tình vi phạm, đó là tình trạng chung của những cặp vợ chồng tảo hôn. Mặc dù không được sự nhất trí của chính quyền địa phương nhưng họ vẫn tổ chức “cưới chui”. Rồi sau đó gia đình cho tách hộ, lập vườn để rồi những cặp vợ chồng trẻ này rơi vào cảnh túng thiếu, dẫn đến mâu thuẩn, ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, giáo dục con cái, sức khỏe bà mẹ, trẻ em…Anh Hồ Văn Đang, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, TT Huế ngậm ngùi: “Lấy vợ sớm, cha mẹ cho miếng đất ở riêng, mình làm cái nhà lều ở tạm. Hai vợ chồng mình vẫn chưa có việc làm, ăn bữa hôm lo bữa mai vất vả lắm”.   

Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp khác nhau như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới mọi tầng lớp nhân dân, nhưng do nhận thức về văn hóa, xã hội, chính sách pháp luật của một bộ phận người dân, thanh, thiếu niên, đặc biệt là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, vẫn mang nặng những phong tục lạc hậu…Nên chỉ tính riêng năm 2015, trên địa bàn huyện Nam Đông có 17 trường hợp tảo hôn, tăng 7 trường hợp so với năm 2014. Đây đã và đang là nổi lo cho chính quyền địa phương nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến bà con nhân dân, đặc biết là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua những hình thức phong phú như truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã có tác động trực tiếp đến nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên”.  Ông Lê Thanh Hồ - PCT UBND huyện Nam Đông, TT Huế cho biết thêm.

Tảo hôn, kết hôn cùng huyết thống trở thành vấn nạn nhức nhối hiện nay. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này không thể làm ngày một ngày hai mà cần phải thực hiện theo phương châm “mưa dầm  thấm lâu”, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên để họ tự chuyển đổi hành vi. Bên cạnh đó, cần phải đưa vào quy ước, hương ước và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện nay tỷ lệ tảo hôn ở nữ so với tình trạng tảo hôn chung còn khá cao, vì vậy cần có những biện pháp tích cực, cụ thể để bảo vệ cho trẻ em gái. Có như vậy, nạn tảo hôn mới thực sự được đẩy lùi, tránh những hệ lụy buồn sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Đài TT - TH huyện
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.225.916
Truy cập hiện tại 8.261