Tìm kiếm
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trong xây dựng nông thôn mới
False 4590Ngày cập nhật 19/09/2014

Với “sứ mệnh” của mình, các nghệ nhân ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đang ngày đêm hăng say, tích cực “truyền lửa” cho thế hệ con cháu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc Cơ Tu.

Sứ mệnh và đam mê.

          Đã đến cái tuổi gần 80 và có hơn 60 năm gắn bó với cồng chiêng. Già làng Ra Pát Gróoc ở xã Thượng Long huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế quý cái cồng, cái chiêng như chính bản thân mình. Đó không đơn thuần chỉ là niềm đam mê mà còn là “sứ mệnh” được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ông luôn mong muốn sớm được truyền dạy lại cho thế hệ con cháu những nét tinh hoa và kinh nghiệm thực tiễn của chính bản thân mình đúc kết được khi chơi loại nhạc khí độc đáo này. Già làng Ra Pát Gróoc bộc bạch: “Mình già rồi, chân tay yếu đi nhiều, không còn linh hoạt như ngày xưa nữa. Mình mong muốn truyền lại cho con cháu biết truyền thống của dân tộc mình. Cái cồng, cái chiêng là nhạc cụ có từ lâu đời, nó đã chứng kiến nhiều Lễ hội vui, cũng như buồn của người đồng bào Cơ Tu chúng tôi”.

          Nét đẹp truyền thống.  

Cồng chiêng là nét đẹp văn hóa truyền thống đã gắn bó với cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Cơ Tu huyện Nam Đông nói riêng từ bao đời nay. Cồng chiêng không chỉ là tiếng nói của tâm linh, thể hiên tâm hồn của con người, mà nó còn diễn tả niềm vui, nổi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nay nét đẹp độc đáo đó đang đứng trước nguy cơ mai một do nhiều nguyên nhân. Trước hết là bắt nguồn từ những biến đổi trong đời sống vật chất tinh thần của cư dân, sự thay đổi trong phương thức canh tác, mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên; sự bùng nổ công nghệ thông tin…Trước thực trạng đó, huyện Nam Đông, tỉnh Trừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các nghệ nhân mở lớp truyền đạt các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, qua đó người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đã phần nào ý thức hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc khí này. Anh A Rét Châu - Học viên lớp cồng chiêng thổ lộ: “Tham gia lớp học, trước hết là trách nhiệm, sau nữa là để nối tiếp truyền thống của cha ông mình. Đây là việc làm ý nghĩa, bổ ích giúp thế hệ trẻ hiểu thêm  và gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Sau này mình lại tiếp tục truyền lại cho con cháu của mình”.

Già làng Hồ Văn Vược - Xã Thượng Long, Nam Đông, Thừa Thiên Huế cho biết thêm: “Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo cho chúng tôi có cơ hội truyền dạy lại cho con cháu mình biết đánh cái cồng, cái chiêng. Trước đây chúng tôi tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nên văn hóa cồng chiêng không được sử dụng trong 1 thời gian dài. Lớp học này rất ý nghĩa chúng tôi sẽ truyền dạy hết mình để con cháu hiễu những nét tinh hoa của cồng chiêng”.

Bảo tồn

Trước thực trạng nhiều bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu bị thất truyền, mai một và lãng quên, không được người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm; trong đó có văn hóa cồng chiêng. Những lớp truyền dạy cồng chiêng cần sớm được nhân rộng đến nhiều địa phương khác để bà con nhân dân tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật bản sắc dân tộc. Qua đó người dân sẽ có điều kiện tìm tòi, học hỏi thêm những làn điệu cồng chiêng của các dân tộc anh em trong và ngoài huyện. Từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, sáng tạo truyền thống văn hóa công chiêng giữa các thế hệ, góp phần tạo sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Đông.

Đài TT-TH huyện
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.247.218
Truy cập hiện tại 4.938