Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Phê duyệt Đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn”
False 15554Ngày cập nhật 18/07/2021

Ngày 12/7/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 1691/QĐ-UBND. Phê duyệt Đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn”, với các nội dung cụ thể như sau:

a) Quan điểm

Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu, định hướng tại Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trung tâm du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của một Cố đô lịch sử, một thành phố di sản cấp quốc gia của Việt Nam; với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo, hấp dẫn; gắn với một đô thị sáng tạo văn hóa hiện đại, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Phát triển du lịch thực sự thành ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh, xã hội hóa cao và chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một cách hiệu quả nhất; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh đảm bảo ổn định, bền vững, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, phát huy vai trò trung tâm của hệ thống doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, sự phối hợp liên ngành trong chuỗi giá trị tạo nên sản phẩm du lịch. Bảo tồn và phát huy tối đa các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống nhằm phục vụ phát triển du lịch; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển du lịch các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và các trung tâm du lịch lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... khu vực ASEAN, hành lang kinh tế Đông - Tây, nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

b) Mục tiêu

Mục tiêu xuyên suốt của phát triển du lịch trong những thời gian tới là chất lượng tăng trưởng du lịch, lấy hiệu quả là thước đo chính, thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ GRDP và tỷ lệ lao động du lịch vào các chỉ tiêu của tỉnh.

Đến năm 2025, ngành Du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo động lực tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, thông minh; có những điểm đến thực sự quy mô, mới, hấp dẫn và đẳng cấp, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc, đặc trưng riêng, cạnh tranh được với các điểm đến khác trong nước và trong khu vực.

Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của cả tỉnh. Thừa Thiên Huế thực sự là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu trong nước và khu vực Đông Nam Á.

c) Chỉ tiêu cụ thể 

Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế trên toàn cầu, ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại, năm 2025, du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; GRDP ngành du lịch đóng góp khoảng 14% so với GRDP của tỉnh (92.000 - 95.000 tỷ đồng); thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/ lượt khách. Lao động trong ngành khoảng 80.000 lao động, chiếm 13% của tỉnh (hơn 600.000 lao động).

( có file đính kèm)

Đến năm 2030, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 50 - 55%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; GRDP ngành du lịch đóng góp khoảng 15% so với GRDP của tỉnh (120.000 - 150.000 tỷ đồng); thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2,2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt trên 2,5 triệu đồng/ lượt khách. Lao động trong ngành dự kiến thu hút 100.000 lao động, chiếm gần 15% của tỉnh (khoảng 750.000 lao động).

Đến năm 2025, số khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao là 10 cơ sở và năm 2030 con số này khoảng 15 đơn vị, trong đó sẽ có một số khách sạn có thương hiệu quốc tế. Chậm nhất là vào năm 2025, khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ là khu du lịch quốc gia đầu tiên của tỉnh được công nhận và năm 2030 sẽ có thêm khu du lịch quốc gia Thanh Tân. Ngoài ra, sẽ kêu gọi đầu tư khoảng một hoặc hai khu vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô trên địa bàn tỉnh.

Tỷ lệ lao động trong ngành du lịch qua đào tạo phấn đấu đến năm 2030 đạt mức 90 - 95%.

Tập tin đính kèm:
Lê Thị Thúy- Phòng Văn hóa và Thông tin
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 246