Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

NAM ĐÔNG VỮNG BƯỚC “TIẾN KỊP MIỀN XUÔI” VÀ HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN CÙNG CẢ NƯỚC
False 18791Ngày cập nhật 15/01/2021

Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế được hình thành từ sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Tuy nhiên, vùng đất và con người nơi đây đã sớm gắn bó với tiến trình lịch sử tỉnh nhà, nhất là từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nam Đông là căn cứ địa kháng chiến chống xâm lược của tỉnh, đóng góp xứng đáng vào thành quả chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đất nước thống nhất, quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh gắn với thực hiện định canh, định cư, xây dựng kinh tế - xã hội và thực hiện đổi mới ở Nam Đông trong mô hình hợp nhất với huyện Phú Lộc đã đạt được những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Những thành quả đó là cơ sở, là nền tảng để huyện Nam Đông được tái lập tiến lên trong công cuộc đổi mới với quyết tâm “Miền núi tiến kịp miền xuôi”. Gắn bó với vùng đất Nam Đông, các dân tộc thiểu số ở đây có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời cùng với sự phát triển của các dân tộc anh em ở phía Đông dãy Trường Sơn. Trước năm 1975, cư dân Nam Đông chủ yếu là người Cơ tu với tập quán du canh, du cư và phát rẩy theo phương thức: “phát, cốt, đốt, trỉa”. Sau năm 1975, có thêm nhân dân các xã đồng bằng lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Đông nên ngoài các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có thêm một số xã và thị trấn đồng bào kinh. Từ đó đồng bào các dân tộc nơi đây đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối thống nhất, cùng quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

Phát huy truyền thống của vùng căn cứ địa cách mạng và truyền thống đoàn kết, đức tính cần cù, chịu khó của con người nơi đây, 30 năm tái lập huyện miền núi Nam Đông là một quá trình khắc phục khó khăn, nổ lực vươn lên, lập nên kỳ tích để huyện Nam Đông đưa “Miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Những khó khăn lớn nhất của Nam Đông sau tái lập huyện là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội còn rất yếu kém; nguồn lực đầu tư quá hạn hẹp. Khó khăn lại chồng chất khó khăn, trận lũ lịch sử năm 1999 còn xóa hết những thành quả của các giai đoạn trước đã đạt được cũng như những thành quả gần 10 năm xây dựng sau tái lập huyện.

Vượt lên mọi khó khăn thử thách, Nam Đông đã vững bước trên con đường “miền núi tiến kịp miền xuôi” với nhiều con số biết nói và rất ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội: Tổng thu ngân sách 5 năm 2015 - 2020 đạt 152,411 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 12,9%. Riêng năm 2019 đạt mức 25,5 tỷ đồng. Nếu so sánh xa hơn so với 10 năm đầu tái lập huyện tổng thu ngân sách mỗi năm chỉ đạt 1,5 tỷ đồng thì đây là một bước tiến lớn thể hiện rõ sự phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm trong lúc năm 2015 chỉ mới đạt hơn 21 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững: cuối năm 2015 có 900 hộ, chiếm tỷ lệ 14,5% đến năm 2020 chỉ còn 329 hộ chỉ còn dưới 5%. Đã có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhìn tổng thể, kinh tế - xã hội của huyện miền núi Nam Đông đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông - lâm - thủy sản theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng giá trị và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư kiên cố, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyển biến tích cực, tăng bình quân hàng năm 20,10%/năm so với kế hoạch đề ra là 12,65%. Du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển và ngày càng mở rộng, từng bước khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế của địa phương với giá trị sản xuất đạt trên 478 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra là 350 tỷ đồng. Các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển tương đối đa dạng. Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư đồng bộ, kiên cố, đảm bảo chất lượng, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước, giáo dục, y tế và bưu chính viễn thông. Thị trấn huyện và nhiều xã đã phát huy nội lực để xây dựng giao thông nông thôn. Cơ sở vật chất của ngành giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp. Các dịch vụ vận tải công cộng đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu đi lại của nhân dân. Điện lưới quốc gia đã về đến 100% số xã, thị trấn và tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100% trên địa bàn huyện. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có bước phát triển vững chắc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục; đã có 25/28 đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường đảm bảo chủ động và phát huy hiệu quả về phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Các hoạt động văn hóa và ứng dụng khoa học công nghệ đều có chuyển biến tích cực và hiệu quả. Đã thực hiện tốt chủ trương gắn phát triển kinh tế với giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm toàn diện trên các mặt, đoàn kết trong Đảng được giữ vững. Hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

 30 năm tái lập huyện, 20 năm cùng tỉnh nhà và cả nước bước vào thế kỷ XXI, Nam Đông đã thực sự xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới do Đảng và Nhà nước trao tặng vào năm 2004. Quê hương, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ phát triển như hiện nay. Một mốc son của thời kỳ phát triển mới đối với Nam Đông đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ  2020 - 2025 xác định. Để đồng hành cùng quê hương, đất nước trên con đường hội nhập và phát triển, mục tiêu của Nam Đông trong thời kỳ phát triển mới là “Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn Đảng bộ và nhân dân, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng -an ninh. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.

Với mục tiêu tổng quát đó, nhiều chỉ tiêu mang tính bứt phá, các chương trình trọng điểm, các đột phá cho thời kỳ phát triển mới đã và đang được triển khai quyết liệt với quyết tâm cao. Từ mức thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng hiện nay, Nam Đông đang phấn đấu đạt 60 - 65 triệu đồng, cao hơn cả chỉ tiêu phấn đấu của một số huyện, thị xã ở đồng bằng trong tỉnh. Cùng với chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Nam Đông quyết tâm xây dựng hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong đó có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với ba chương trình trọng điểm (chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; chương trình phát triển đô thị; chương trình phát triển văn hóa - du lịch) là ba đột phá lớn để Nam Đông thúc đẩy nhanh sự phát triển: 1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hương sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu gia trại, trang trại tập trung (trọng tâm là xã Hương Xuân, xã Hương Phú và những vùng có điều kiện); 2) Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa. Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch ở những vùng, điểm lợi thế, thế mạnh của huyện để có cơ sở pháp lý kêu gọi nguồn lực đầu tư. Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá; 3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành chính quyền, hoạt động của mặt trận và đoàn thể từ huyện xuống xã, thị trấn.

Hoàn thành sứ mệnh 30 năm căn cứ địa kháng chiến chống xâm lược (1945 - 1975), Nam Đông rút ra được hai bài học lớn: Bài học về bám sát tình hình thực tiễn, căn cứ vào chủ trương, đường lối chung của Đảng để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương; bài học về sức mạnh đoàn kết, đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, phát huy sức mạnh đoàn kết quần chúng, cộng đồng. Hành trang bước tiếp vào thế kỷ XXI của Nam Đông là thành tựu và truyền thống cách mạng vẻ vang qua 55 năm kháng chiến và xây dựng. Truyền thống là sức mạnh. Sức mạnh từ: 1) Tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Bác Hồ; 2) Sức đề kháng với mọi nguy hiểm và tính hợp lực cộng rất cao để vượt qua mọi thử thách, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ; 3) Tinh thần kỷ luật cao, trong hoàn cảnh nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 4) Tính hợp đồng cao, bảo vệ và phát triển tốt mối quan hệ với các đơn vị, lực lượng, các địa phương tạo nên sức mạnh trong chiến đấu và xây dựng. 20 năm cung quê hương, đất nước trên con đường thế kỷ XXI; những bài học lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang đã được kế thừa và phát huy để huyện miền núi Nam Đông đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, diện mạo quê hương đổi mới sâu sắc, cuộc sống nhân dân cải thiện rõ nét và đang trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc, văn minh.

Bài học và truyền thống của quá trình kháng chiến và xây dựng, những thành quả to lớn đã đạt được đến năm 2020 của huyện miền núi Nam Đông là rất đỗi tự hào. Nam Đông đã vững bước tiến kịp miền xuôi và đang đồng hành cùng tỉnh nhà và cả nước trên con đường lớn hội nhập phát triển.

Nguyễn Thái Sơn - Nguyên UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Lê Minh Huân
Các tin khác
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.581