Phương thức cho vay của NHCSXH huyện Nam Đông chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (96,6% dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội). Trong 20 năm qua, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn TDCSXH đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến ngày 30/04/2023, toàn huyện Nam Đông có tổng số 119 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình quân 42 tổ viên/tổ; dư nợ bình quân mỗi Tổ TK&VV là 2.304 triệu đồng. Tổ thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn; có nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo quy chế hoạt động của thành viên trong tổ như: thực hiện bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, giám sát sử dụng vốn vay, tương trợ hỗ trợ, giúp đỡ nhau sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi và gửi tiết kiệm định kỳ hàng tháng... Hoạt động của Tổ TK&VV có sự giám sát của các trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội... Định kỳ hàng tháng, tổ thực hiện thu lãi, thu tiền gửi, nộp ngân hàng tại điểm giao dịch xã, tham gia họp giao ban với NHCSXH.
Dư nợ cho vay đến ngày 30/04/2023 đạt hơn 279,2 tỷ đồng, với 16 chương trình cho vay; 4.895 hộ vay còn dư nợ, bình quân 57 triệu đồng/hộ vay.
Nguồn vốn tín dụng Chinh sách được đầu tư đến 100% xã, thị trấn của huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Trong hơn 20 năm qua, đã góp phần giúp cho gần 26.000 lượt hộ cải thiện được đời sống, hơn 4.500 lượt hộ thoát nghèo nhờ vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; hơn 8.500 việc làm mới được tạo ra thông qua cho vay giải quyết việc làm và các chương trình tín dụng khác; xóa nhà tạm và xây dựng mới hơn 200 ngôi nhà cho hộ nghèo thông qua vay vốn chương trình hộ nghèo về nhà ở (theo QĐ 167, QĐ 33), hơn 150 ngôi nhà hộ nghèo được sửa chữa và xây dựng mới, đảm bảo được an toàn trong mùa mưa bão thông qua chương trình cho vay hộ nghèo xây nhà chống bão theo Quyết định 48; hơn 11.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp sửa chữa, đáp ứng theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường quốc gia thông qua chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 1.600 học sinh sinh viên được vay vốn để phục vụ học tập thông qua chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157; phủ xanh trên 1.250 ha đất trống đồi trọc thông qua chương trình cho vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp (dự án WB3) và xây dựng 104 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Kiểm tra việc sử dụng vốn sau khi cho vay