Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
False 43575Ngày cập nhật 23/10/2018

PHƯƠNG ÁN

Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Khe Tre,

 huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phần thứ nhất

CĂN CỨ PHÁP LÝ LẬP PHƯƠNG ÁN

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01năm 2003 của Chính Phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính Phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh phê duyệt quy định phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 05/5/2017 của UBND tỉnh về ban hành quy định quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 19/8/2016 của UBND huyện Nam Đông về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn huyện Nam Đông giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 24/7/2017 của UBND huyện về kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Khe Tre, huyện Nam Đông.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI

 

I. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CHỢ

1. Hồ sơ pháp lý về thành lập chợ

Chợ Khe Tre nằm ở trung tâm của huyện Nam Đông, do nằm gần bến xe và các trục đường giao thông nối với các xã Hương Phú, Hương Lộc, Hương Hòa, Thượng Lộ, Hương Sơn, Thượng Nhật và trung tâm thị trấn Khe Tre nên chợ là đầu mối cho các mặt hàng bán sỉ và lẻ cho nhân dân trên địa bàn huyện; chợ được hình thành từ năm 1975. Từ năm 1976 đến tháng 5/2005, chợ Khe Tre trực thuộc sự quản lý của UBND xã Hương Lộc và sau này là UBND thị trấn Khe Tre với mô hình Tổ quản lý chợ. Chợ là nơi giao lưu hàng hóa, dịch vụ thương mại của thị trấn và các xã cân cận. Hiện tại, chợ có khoảng 380 hộ kinh doanh (với 390 lô kinh doanh cố định).

Thực hiện Đề án số 43/ĐA-UB ngày 01/3/2005 của UBND huyện về cơ cấu, tổ chức và sắp xếp lại và đổi thành Ban quản lý chợ Khe Tre; ngày 02 tháng 6 năm 2005 UBND huyện ban hành Quyết định số 491/2005/QĐ-UBND ngày 02/6/2005 quy định Ban quản lý chợ Khe Tre trực thuộc UBND huyện cho đến nay.

 Theo Quyết định số 1546/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chợ Khe Tre được quy hoạch là chợ hạng 1.

Từ thực trạng chợ Khe Tre và nhu cầu quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh; để triển khai, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại của Nhà nước, do đó việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Khe Tre theo hình thức giao cho Doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã quản lý khai thác và kinh doanh chợ nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý phát triển chợ và thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho chợ là cần thiết.

2. Hồ sơ về đất đai và quy mô xây dựng chợ

2.1. Hồ sơ về đất: Chợ Khe Tre, huyện Nam Đông có vị trí khu đất thuộc thửa số 15, tờ bản đồ số 01, bản đồ địa chính đo vẽ năm 2018, với tổng diện tích đất là 7.072m2; đất chợ Khe Tre thuộc địa phận UBND thị trấn Khe Tre quản lý.

2.2. Quy mô xây dựng:

- Ki ốt mặt tiền đối diện Bưu điện (xây dựng lại tháng 8 năm 2012):

Tổng diện tích xây dựng: 324 m2; tổng số ki ốt được xây dựng: 36 ki ốt;  bình quân 01 ki ốt: 9 m2.

- Hai đình chợ (nâng cấp năm 2012):

+ Đình lớn: 1.260 m2

+ Đình phụ: 950 m2

- Dãy kinh doanh hai tầng (xây dựng năm 2008)

+ Diện tích xây dựng: 660 m2; tổng số lô kinh doanh: 13

- Khu nhà ăn uống chợ Khe Tre (đình ngoài, xây dựng năm 2013)

+ Diện tích xây dựng:  310 m2

+ Tổng số lô kinh doanh: 23 lô.

- Khu vệ sinh chung: 35 m2

- Hai nhà để xe (vốn xã hội hóa): 450 m2

- Hộ kinh doanh tự dựng mái che tạm: Có 71 lô hộ kinh doanh tự dựng mái che để buôn bán trái cây, rau củ quả, trà, gà vịt sống, cá đầm phá vv…

 - Ngoài ra, hệ thống các công trình phụ trợ khác được quan tâm đầu tư như: hệ thống thoát nước đồng bộ; xây dựng bể nước cứu hỏa thể tích: 37 m3; bể xử lý nước thải thể tích gần 100 m3 và lắp đặt các máy móc thiết bị để xử lý nước trước khi thải ra ngoài.

3. Hồ sơ về tài chính và tài sản chợ

3.1. Tài sản chợ gồm: Các đình chợ; dãy nhà 2 tầng; dãy ki ốt đối diện bưu điện; dãy nhà ăn uống, khu nhà giữ xe; khu nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ khác như sân, đường, tường rào; hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hệ thống thoát nước, xử lý môi trường,…

 3.2. Giá trị tài sản chợ:

- Giá trị tài sản cố định nguyên giá trên sổ sách kế toán là 14.509.004.000 đồng (mười bốn tỷ, năm trăm lẽ chín triệu, không trăm lẽ bốn nghìn đồng chẵn)

- Giá trị còn lại (sau khấu hao) theo sổ sách kế toán là: 10.788.004.000 đồng (mười tỷ, bảy trăm tám mươi tám triệu, không trăm lẽ bốn nghìn đồng chẵn).

- Giá trị tài sản sau thẩm định: 11.122.047.000 đồng

(mười một tỷ, một trăm hai mươi hai triệu, không trăm bốn mươi bảy nghìn đồng chẵn)

- Giá trị tài sản chợ điều chuyển cho đơn vị được lựa chọn: Tổ chức xác định giá trị toàn bộ tài sản do nhà nước đầu tư xây dựng để điều chuyển cho đơn vị được lựa chọn theo đúng quy định của pháp luật.

3.3. Tình hình thu chi tài chính:

+ Năm 2015: Tổng các nguồn thu từ chợ: 840.398.000 đồng (bao gồm: thu tiền lô KD: 614.769.000 đồng; phí dịch vụ: 225.370.000 đồng; khu khác 259.000 đồng);

+ Năm 2016: Tổng các nguồn thu từ chợ: 2.002.381.000 đồng (bao gồm: thu tiền lô KD: 1.775.606.000 đồng; phí dịch vụ: 226.606.000 đồng);

+ Năm 2017: Tổng các nguồn thu từ chợ: 958.826.000 đồng (bao gồm: thu tiền lô KD: 682.691.000 đồng; phí dịch vụ: 276.135.000 đồng);

+ 9 tháng năm 2018: Tổng các nguồn thu từ chợ: 625.000.000 đồng (bao gồm: thu tiền lô KD: 400.000.000 đồng; phí dịch vụ: 225.000.000 đồng);

- Công nợ phải thu, phải trả: Tại thời điểm lập Phương án chợ thị trấn Khe Tre không có công nợ phải thu, phải trả đối với các tổ chức, cá nhân.

4. Tình hình quản lý chợ:

Hiện nay, chợ Khe Tre giao Ban Quản lý chợ Khe Tre quản lý; Ban quản lý chợ có 04 cán bộ, bao gồm: 01 Trưởng ban, 01 Phụ trách kế toán, 01 Thủ quỹ kiêm ủy nhiệm thu và 01 cán bộ ủy nhiệm thu kiêm kỹ thuật điện; đồng thời các chức danh trên kiêm nhiệm thêm các công việc khác của đơn vị.

Danh sách cán bộ của Ban quản lý chợ

STT

Họ và tên

Năm sinh

Chức vụ

Hệ số lương

Ghi chú

01

Nguyễn Tri

1965

Trưởng ban

2,73

 

02

Nguyễn Văn Cầm

1961

Kế toán

2,73

 

03

Võ Văn Tố

1958

Thủ quỹ +ủy nhiệm thu

1,5

 

04

Nguyễn Văn Nghĩa

1984

Ủy nhiệm thu+kỹ thuật điện

1,5

 

 5. Tình hình hoạt động kinh doanh của chợ

Chợ Khe Tre họp thường xuyên, cả ngày; hiện nay chợ có khoảng 390 lô kinh doanh cố định, với 380 hộ kinh doanh; hàng hóa kinh doanh ở chợ là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu dùng hàng ngày của nhân dân trên địa bàn huyện.

Tổng số hộ kinh doanh tại chợ:

STT

NGÀNH NGHỀ KINH DOANH

SỐ HỘ

GHI CHÚ

1.

Hàng tạp hóa

59

 

2.

Hàng gia vị

39

 

3.

Hàng bán thịt, gà

28

 

4.

Hàng cá, mắm

51

 

5.

Hàng rau hành

43

 

6.

Hàng vãi, áo quần, may mặc

62

 

7.

Hàng lương thực, công cụ.

23

 

8.

Hàng trái cây, chuối, trà

06

 

9.

Hàng ăn uống, giải khát

54

 

10.

Các dịch vụ khác

15

 

Cộng:

380

 

* Ghi chú:

- Số Ki ốt đã cấp giấy chứng nhận QSD đất lâu dài:15 Ki ốt (dãy Ki ốt đối diện Bưu điện huyện);

- Số lô đã bán cho hộ tiểu thương 50 năm: 07 lô (dãy lô khu nhà hai tầng);

- Số lô thuộc quản lý của BQL chợ: 368 lô.

II. PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI CHỢ

1. Phương thức chuyển đổi chợ

Tổ chức lựa chọn Doanh nghiệp (DN) hoặc Hợp tác xã (HTX) quản lý, kinh doanh khai thác chợ Khe Tre theo đúng quy định tại Điều 2, Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 05/5/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong trường hợp chỉ có 01 đơn vị tham gia thì xem xét thực hiện phương thức giao doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực, điều kiện quản lý.

Trường hợp Ban quản lý chợ Khe Tre có nguyện vọng chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã để tiếp nhận chợ đang được giao quản lý thì phải có Phương án huy động vốn, phương án quản lý, kinh doanh, khai thác; dự thảo điều lệ hoạt động của hợp tác xã để quản lý chợ sau khi chuyển đổi.

2. Phương án xử lý tài sản, tài chính, công nợ

2.1. Về tài sản:

Chợ và toàn bộ tài sản còn lại chợ được bàn giao cho doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã được lựa chọn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu theo quy định.

2.2. Về tài chính:

Doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã trúng thầu phải nộp toàn bộ số tiền đấu giá tài sản chợ vào ngân sách theo đúng quy định. Phương thức, thời gian hoàn trả vốn tài sản cho nhà nước theo Phương án cụ thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (làm cơ sở, tiêu chí lựa chọn đơn vị trúng thầu quản lý chợ).

2.3. Công nợ:

Tại thời điểm lập Phương án chợ thị trấn Khe Tre không có công nợ phải thu, phải trả đối với các tổ chức, cá nhân.

3. Phương án giải quyết lao động quản lý tại chợ

Doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã (Đơn vị trúng thầu) quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Khe Tre có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ cán bộ của Ban quản lý chợ Khe Tre trước chuyển đổi (nếu cán bộ Ban quản lý có nhu cầu tiếp tục làm việc tại DN hoặc HTX trúng thầu quản lý chợ); đồng thời, bố trí công việc phù hợp và đảm bảo các chế độ về lương, BHXH, BHYT, ….theo quy định của Luật Lao động. Trường hợp người lao động thuộc Ban quản lý chợ Khe Tre cũ không có nhu cầu chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trúng thầu thì UBND huyện, phòng chức năng sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách phù hợp với quy định hiện hành.

4. Phương án quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

4.1. Phương án quản lý chợ:

- Sau khi chuyển đổi chợ, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trúng thầu thành lập Ban quản lý và các bộ phận phục vụ công tác điều hành trực tiếp hoạt động chợ;  công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường đảm bảo cho hoạt động ổn định, an toàn của chợ; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Đơn vị trúng thầu, thực hiện quản lý chợ theo hướng chợ văn minh thương mại, chợ an toàn thực phẩm; các mặt hàng phải được sắp xếp, bố trí phù hợp với không gian từng ngành hàng, theo từng khu vực; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chợ phải đăng ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Xây dựng và thực hiện tốt các Phương án an ninh trật tự; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường khu vực chợ: Doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã trúng thầu thực hiện theo đúng cam kết và có Phương án từng nhiệm vụ cụ thể, theo quy định của nhà nước, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và tính mạng cho người dân kinh doanh mua bán và tham gia trao đổi hàng hóa tại chợ.

- Đơn vị trúng thầu, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật chuyên ngành (An toàn thực phẩm, thuế, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tư,…)

4.2. Phương án thu phí chợ:

- Mức thu phí thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước; duy trì mức thu ổn định hết năm 2018; khuyến khích doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trúng thầu quản lý, kinh doanh, khai thác chợ (đơn vị trúng thầu) có mức thu thấp hơn quy định.

- 03 năm tiếp theo: Đơn vị trúng thầu có thể tăng giá thuê lô, vị trí, ki ốt so với giá trước khi chuyển đổi, tỷ lệ tăng theo quy định hiện hành và được sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền. 

- Từ năm thứ 4 trở đi: Tùy vào điều kiện thực tế và hiệu quả hoạt động kinh doanh, đơn vị trúng thầu có thể điều chỉnh tăng giá thuê lô, quầy, ki ốt, vị trí nhưng mức tăng theo quy định và được sự thống nhất của UBND huyện Nam Đông.

- Đối với các hộ kinh doanh cố định có hợp đồng, yêu cầu đơn vị trúng thầu có nhiều phương án thu phí để các hộ tiểu thương lựa chọn như: Thu phí theo ngày, tháng, năm; 03 năm, 05 năm, hoặc dài hơn.

- Đối với khu kinh doanh ngoài trời, khu kinh doanh chợ vãng lai, điểm kinh doanh không cố định (không có hợp đồng thuê mặt bằng) yêu cầu đơn vị trúng thầu thu phí theo lượt và có bảng giá niêm yết mức thu phí theo quy định hiện hành.

5. Phương án quản lý, sử dụng đất đai

- Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trúng thầu quản lý, kinh doanh, khai thác chợ được giao đất hoặc thuê đất với thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm hoặc tiền sử dụng đất 01 lần theo quy định.

- Đơn vị trúng thầu quản lý chợ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai và đầu tư theo cơ chế, chính sách hiện hành của nhà nước (nếu có). Trình tự, thủ tục thuê đất, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, đơn vị trúng thầu quản lý chợ thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước có liên quan.

6. Cơ chế chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ

- Thực hiện chính sách theo quy định chung của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và quản lý chợ vùng nông thôn (nếu có).

- Đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định của pháp luật (nếu có).

7. Trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

          7.1. Ban chuyển đổi chợ huyện

          - Tổ chức công bố công khai Phương án chuyển đổi chợ Khe Tre sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến Ban quản lý chợ Khe Tre, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ; các đơn vị liên quan và toàn thể nhân dân; trên các đơn vị thông tin đại chúng, tại trụ sở Ban quản lý chợ, UBND huyện, trang thông tin điện tử của UBND huyện để các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhân dân biết và thực hiện.

          - Có trách nhiệm tuyên truyền, giải đáp các chủ trương, chính sách có liên quan đến chuyển đổi chợ; cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đối tượng khác có nhu cầu tìm hiểu để tham gia tiếp nhận quản lý chợ (có thu kinh phí theo quy định hoặc tính vào chi phí chuyển đổi chợ của Ban chuyển đổi chợ).      

          - Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đơn vị trúng thầu thực hiện đúng các nội dung theo Phương án chuyển đổi chợ; chỉ đạo công tác xây dựng và thực hiện tốt các Phương án: an ninh trật tự; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường khu vực chợ; quản lý chợ theo hướng chợ văn minh thương mại; chợ an toàn thực phẩm; các mặt hàng phải được sắp xếp, bố trí phù hợp với không gian từng ngành hàng, theo từng khu vực; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chợ phải đăng ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

          - Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 05/5/2017 của UBND tỉnh và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.

          7.2. Trách nhiệm của UBND thị trấn Khe Tre

          Thực hiện niêm yết Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Khe Tre đã được UBND huyện phê duyệt tại trụ sở UBND thị trấn để các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các cá nhân liên quan biết, thực hiện. Thời gian thông báo công khai Phương án chuyển đổi chợ được duyệt là 30 ngày kể từ ngày Phương án được phê duyệt.

          7.3. Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của Ban quản lý chợ Khe Tre

          - Phối hợp, hỗ trợ Ban chuyển đổi chợ huyện, đơn vị trúng thầu quản lý chợ việc vận động, tuyên truyền đến các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình chuyển đổi chợ.

- Có trách nhiệm bảo vệ tài sản chợ và phối hợp bàn giao chợ cho Doanh nghiệp hoặc HTX được lựa chọn quản lý chợ đúng với giá trị, hiện trạng đã được thẩm định trong biên bản kiểm kê tài sản chợ Khe Tre của đơn vị có thẩm quyền.

          - Sau khi chuyển đổi chợ, các thành viên Ban quản lý chợ hiện tại nếu có nhu cầu sẽ được đơn vị trúng thầu quản lý chợ tiếp nhận, bố trí làm việc phù hợp và đảm bảo các quyền lợi theo quy định của Luật Lao động. Trường hợp người lao động thuộc Ban quản lý chợ Khe Tre cũ không có nhu cầu chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trúng thầu thì UBND huyện, phòng chức năng sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách phù hợp với quy định hiện hành.

          - Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 18 Quy định phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.

          7.4. Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của đơn vị trúng thầu quản lý chợ

          - Tổ chức tiếp nhận toàn bộ hiện trạng chợ (bao gồm hạ tầng cơ sở chợ, bộ máy quản lý, nhân viên, tài sản cố định, tài chính, phương án chuyển đổi chợ đã được phê duyệt, các hồ sơ tài liệu về chợ …).

- Thực hiện đúng nội dung Phương án chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức quản lý chợ theo các quy định hiện hành.

          - Hoàn tất hồ sơ về đất đai, thực hiện nộp tiền thuê đất, sử dụng đất, hoàn trả giá trị tài sản cho nhà nước theo Phương án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản nộp ngân sách khác theo quy định của pháp luật; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, các hoạt động xã hội trên địa bàn; đảm bảo an toàn tài sản cho các hộ kinh doanh, nhất là các hộ kinh doanh cố định trong chợ.

- Phải triển khai thực hiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trong thời gian 12 tháng kể từ khi nhận được quyết định công nhận quản lý chợ. Trong quá trình triển khai có vướng mắc phải có văn bản báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, chấp thuận mới được triển khai tiếp.

          - Đơn vị trúng thầu, tiếp nhận quản lý chợ nếu có nhu cầu xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo chợ phải lập dự án theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, các quy định về tiêu chuẩn thiết kế chợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Niêm yết bảng giá thu phí chợ theo quy định của nhà nước, giá thuê quầy, ki ốt; xây dựng nội quy hoạt động của chợ, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện công bố công khai tại chợ; tổ chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý các vi phạm về Nội quy chợ; thực hiện các quy định về phòng chống cháy nổ theo quy định.

- Ngoài ra, thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ khác quy định tại Điều 17, Quy định phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ban hành kèm theo Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.

7.5. Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các hộ tiểu thương, người kinh doanh tại chợ

- Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh của chợ.

- Thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp đều được quyền vào chợ kinh doanh sau khi có hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ với đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.

- Thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật còn phải nghiêm chỉnh thực hiện Nội quy chợ và chịu sự quản lý của Ban quản lý chợ hoặc của doanh nghiệp, HTX kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

- Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng.

- Những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công...) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ.

- Về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ: Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ là hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục pháp luật cấm kinh doanh và không thuộc các loại sau: Hàng hóa có chứa chất phóng xạ và thiết bị phát bức xạ i-on hóa; các loại vật liệu nổ, các loại chất lỏng dễ gây cháy nổ như xăng dầu (trừ dầu hỏa thắp sáng), khí đốt hóa lỏng (gas), các loại khí nén; các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục hạn chế kinh doanh; các loại hóa chất độc hại thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện.

- Ngoài ra, thực hiện tốt trách nhiệm quy định tại Điều 19, Quy định ban hành kèm Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 của UBND tỉnh và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.

Trên đây là nội dung Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND huyện Nam Đông xin báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chuyển đổi chợ cấp tỉnh./.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 2.951