Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023
False 13514Ngày cập nhật 20/04/2023

Sáng 18/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan dự hội nghị.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
 
 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, xuất khẩu trong nước do đơn hàng sụt giảm mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn. Trong quý 1- 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng và 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ.

Cũng trong quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực DN trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Điều này cho thấy những khó khăn của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo những khó khăn chủ yếu, như: Nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số DN giải thể tăng, sản xuất điện gặp khó khăn. Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, xúc tiến thương mại, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Mặc dù trong quý 1-2023, kinh tế của cả nước vẫn tăng trưởng dương, nhưng không đạt được kế hoạch như kỳ vọng. Một số chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Ngoài những nguyên nhân khách quan do tình hình thế giới, có những nguyên nhân chủ quan quan trọng, như: Việc chậm công bố các quy hoạch ngành quốc gia là cản trở lớn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và mục tiêu tăng trưởng; một số luật và văn bản sau luật còn chồng chéo, khiến DN lúng túng; sự thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu xuất khẩu; tiếp cận vốn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó, tỷ lệ tồn kho nhiều,…

Với mục tiêu phấn đấu đạt kế hoạch dự kiến năm 2023: Chỉ số IIP tăng khoảng 8-9%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% cùng kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu; hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm khả thi, phù hợp với các FTA đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm; khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DN.

Tại Thừa Thiên Huế, Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa trong tháng 03 năm 2023 ước đạt 103,23 triệu USD tăng 9,25% so với cùng kỳ năm 2022, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 03 tháng đầu năm 2023 ước đạt 240,4 triệu USD giảm 18,74% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 năm 2023 là 47,86 triệu USD, giảm 33,11% so với cùng kỳ, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 03 tháng đầu năm 2023 ước đạt 123,57 triệu USD giảm 38,45% so với cùng kỳ năm 2022.

 

 
 
 
 
Nguôn tin: thuathienhue.gov.vn
Phòng Tư pháp - Hồ Thị Tuyết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.334.853
Truy cập hiện tại 4.872