Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Một số giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
False 16098Ngày cập nhật 30/08/2021

Ngày 24/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản về việc thực hiện một số giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc bán đấu giá tài sản, nhất là các tài sản công, hạn chế thất thoát tài sản của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh có tài sản đấu giá

a) Các cơ quan, tổ chức có tài sản đấu giá căn cứ quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra bán đấu giá, đăng tải đầy đủ việc lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, giám sát chặt chẽ tổ chức đấu giá tài sản trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá sau khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, trong đó chú trọng kiểm tra việc đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo đúng thời gian, nội dung quy định. Trường hợp phát hiện tổ chức đấu giá tài sản không đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản thì xem xét, yêu cầu hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản.

Trong trường hợp tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 53 Luật Đấu giá tài sản yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản tiếp tục đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của cuộc đấu giá, tối đa hóa lợi ích cho Nhà nước.

b) Khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cần căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các yêu cầu không có cơ sở, không cần thiết đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản.

Phải thận trọng trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, xem xét, đánh giá những tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm về hoạt động đấu giá tài sản đã bị báo chí, khách hàng phản ánh và cơ quan có thẩm quyền xử lý. Chú trọng việc đấu thầu để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Trường hợp lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu thì khuyến khích việc lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Đấu thầu theo các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.

c) Giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đấu giá, để tránh tình trạng một số tổ chức đấu giá tài sản gây khó khăn, cản trở người có nhu cầu tham gia đấu giá trong việc mua, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá (như: tổ chức đấu giá tài sản có văn bản thông báo dừng nhận hồ sơ nhưng trên thực tế vẫn tiếp nhận của một số tổ chức, cá nhân; không bán ngay hồ sơ cho người đăng ký tham gia đấu giá đến mua mà yêu cầu xem tài sản trước; bán giới hạn số lượng hồ sơ trong ngày; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá ngoài giờ hành chính, không liên tục, không đảm bảo đủ thời gian quy định nhằm mục đích cản trở, hạn chế, gây khó khăn cho khách hàng...).

d) Xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá đúng quy định của pháp luật. Không gom chung nhiều tài sản thành một tài sản đấu giá duy nhất để bán theo lô, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến tài sản đấu giá có giá khởi điểm cao, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua tài sản để sử dụng mà hướng đến nhóm người tham gia đấu giá nhất định, tiềm ẩn nguy cơ “đầu cơ”, trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức có liên quan. Khi xây dựng phương án đấu giá cần có phương án phù hợp, khả thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người tham gia đấu giá, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của Nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công.

đ) Các tổ chức, cơ quan quản lý tài sản đấu giá phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Sở Tư pháp

a) Giao Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức đấu giá không đặt thêm yêu cầu, điều kiện không có cơ sở đối với người tham gia đấu giá. Rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp cơ quan, tổ chức có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài quy định của pháp luật để xem xét, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

b) Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đấu giá tài sản tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản đảm bảo quy định của Luật Đấu giá tài sản, các văn bản quy định chi tiết thi hành và quy định pháp luật có liên quan.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản của các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định./.

TCKH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 5.922