Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

VnEdu – nền tảng của giáo dục số
False 9670Ngày cập nhật 15/08/2021

Tại Thừa Thiên Huế, hệ sinh thái giáo dục Việt Nam - VnEdu (dạy và học) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được ứng dụng trong hệ thống giáo dục, đào tạo tại các trường học với nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ hiệu quả việc dạy, học của thầy và trò.

Học sinh hào hứng với lớp học thông minh  (Ảnh chụp thời điểm trước bùng phát dịch COVID-19)

 

Giải pháp dạy và học trực tuyến

Trong những năm gần đây, VNPT là một trong số doanh nghiệp tiên phong xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, giúp nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh có những phần mềm, công cụ hiện đại, hiệu quả phục vụ công tác dạy và học.

Năm 2020, khi học sinh phải nghỉ học vì đại dịch COVID-19, VNPT đã hoàn thành việc triển khai nền tảng VNPT E-Learning, cung cấp phần mềm chính danh, có tính bảo mật cao và miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thầy cô và học sinh liên quan đến các chương trình học từ xa.

Tại các trường học ở Thừa Thiên Huế, để thích ứng với việc học trong thời gian “giãn cách”, giáo viên và học sinh đã nhanh chóng ứng dụng các phần mềm giáo dục trực tuyến, trong đó có giải pháp học và thi trực tuyến E-Learning do VNPT hỗ trợ ngành giáo dục sử dụng miễn phí trong mùa dịch.

Theo đánh giá của cán bộ quản lý và giáo viên ở nhiều trường học trong tỉnh, VNPT E-Learning được coi là lớp học 4.0 sinh động. Với nhiều tính năng, VNPT E-Learning giúp cho việc tương tác giữa giáo viên và học sinh tốt hơn. Giáo viên có thể số hoá tài liệu, học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử; thuận lợi trong việc điểm danh, theo dõi việc học trực tuyến của học sinh. Đối với học sinh, thông qua việc học và làm bài tập, hệ thống sẽ tự động chỉ ra lỗ hổng kiến thức và gợi ý bài học. Phụ huynh cũng có thể theo dõi lịch sử tiến trình học trực tuyến của con để nhắc nhở và giám sát…

Thầy Vương Hưng Tĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sinh Cung, thị trấn Phú đa, huyện Phú Vang cho hay: Trước đó, ở một số trường, giáo viên vẫn sử dụng các phần mềm dạy học không bản quyền, hoặc không chính thức, thiếu tính ổn định và bảo mật thông tin không cao.

“Việc ứng dụng phần mềm học trực tuyến E-Learning rất hữu ích”, thầy Tĩnh nói. Về tổng thể, E-Learning đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chí của giáo viên và học sinh như đăng bài, tổ chức dạy học, tương tác, kiểm tra đánh giá…

Theo thầy Tĩnh, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, trong năm học 2021-2022, nhà trường sẽ ký hợp đồng với VNPT tỉnh để tiếp tục triển khai dịch vụ này. “Chúng tôi phải chủ động trên tinh thần: vừa dạy học trực tiếp vừa sẵn sàng trực tuyến để không ngắt quãng việc học của thầy và trò. Việc học online trên nền tảng E-Learning còn là cơ hội thay đổi tư duy dạy- học, chuẩn bị cho một thế hệ “công dân số” trong tương lai”.

 Học sinh cũng có thể linh hoạt sử dụng các thiết bị học tập như máy tính, ipad để truy cập vào bài giảng của giáo viên. Em Trần Văn Thắng (Trường THPT Phan Đăng Lưu) chia sẻ, việc học qua ứng dụng E-Learning được tương tác với thầy cô mọi lúc mọi nơi, giúp việc học hiệu quả và dễ dàng hơn.

Cơ hội phát huy các tiện ích 4.0

Theo ông Phan Trung Việt, Phó Giám đốc Phòng Khách hàng Tổ chức Doanh nghiệp của VNPT Thừa Thiên Huế, hệ sinh thái giáo dục thông minh VnEdu 4.0 của Tập đoàn VNPT được xây dựng dựa trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. VnEdu liên tục cập nhật công nghệ mới với hơn 20 sản phẩm, dịch vụ, bao phủ toàn bộ quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục.

Trong đại dịch COVID-19, VnEdu với nền tảng ứng dụng dạy và học trực tuyến E- Learning đã được triển khai miễn phí cho hơn 35 ngàn điểm trường, trên 800 ngàn giáo viên và hơn 8 triệu học sinh/sinh viên trong cả nước, hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra… Nhờ đó, việc dạy và học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước, đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.

Tại Thừa Thiên Huế, VNPT đang bắt tay hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo và đẩy mạnh hợp tác với tỉnh trong triển khai hệ sinh thái giáo dục VnEdu. Trong đó, ứng dụng phần mềm học trực tuyến E-Learning đã được VNPT triển khai đến hầu hết các trường học từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn.

Ngoài ra, theo định hướng thanh toán không tiền mặt của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của các trường học, VNPT đã triển khai mô hình thu hộ học phí qua VNPT Pay.

“Giải pháp thanh toán học phí không tiền mặt qua app VNPT Pay hiện có 20 trường học tại Huế sử dụng và sắp tới VNPT Pay sẽ được tích hợp vào Hue-s, người dân có thể sử dụng rộng rãi”, ông Việt nói.

Bên cạnh đó, giải pháp lớp học thông minh cũng đang  được triển khai ở 8 trường học (THCS và THPT) thuộc sở trên địa bàn tỉnh. Phần mềm hệ thống bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - VNPT LMS ETEP (phần mềm dùng đào tạo giáo viên trực tuyến) đang triển khai. Sắp tới, VNPT tỉnh sẽ triển khai giải pháp trung tâm điều hành giáo dục; giải pháp kiểm định chất lượng giáo dục, giải pháp thẻ thông minh… 

 
Nguyễn Thị Thanh Huệ - Phòng Giáo dục và Đào tạo
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 3.540