Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu
False 12573Ngày cập nhật 25/09/2020

Đầu năm học, nhiều khoản thu ở các trường khiến phụ huynh bức xúc và cho rằng bị lạm thu. Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế xung quanh vấn đề này.

Ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế

Ông có thể cho biết những khoản thu nào đối với từng cấp học mà học sinh Huế phải đóng vào đầu năm học? Có tình trạng lạm thu không?

Đầu năm học có các khoản thu ở nhà trường phải đóng, gồm: thu học phí (mầm non, trung học cơ sở), bảo hiểm y tế và các khoản thu khác (thu phí học 2 buổi/ngày, dịch vụ giữ xe); các khoản thu hộ, chi hộ như thu chi phục vụ bán trú, tiền nước uống, tiền mua ghế ngồi ở sân trường cho học sinh lớp đầu cấp. Ngoài ra, các trường có thể thu tự nguyện, không bắt buộc như thu bảo hiểm tai nạn; các hoạt động ngoài biên chế giờ học về năng khiếu, kỹ năng, làm quen ngoại ngữ. Các khoản thu của các tổ chức ban, hội, đoàn thể trong nhà trường. Các khoản thu chỉ giới thiệu mẫu, danh mục cho phụ huynh mua như mua học phẩm cho các cháu mầm non, giấy kiểm tra, logo - bảng tên trường, áo quần đồng phục, thể  thao...

Yêu cầu mức thu phải dự toán kinh phí hợp lý, đúng mục tiêu huy động, nội dung thu phải được sự đồng thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, thống nhất và thực hiện công khai theo Thông tư 36/2017 của Bộ GD&ĐT. Thực hiện các khoản thu phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với thu nhập dân cư trên địa bàn. Nhà trường chỉ được tiến hành thu sau khi đã tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh đầu năm học.

Tình trạng lạm thu ở một số trường vào đầu năm học là có, đặc biệt là một số trường có tổ chức bán trú. Phòng đang rà soát dự toán các đơn vị và yêu cầu chấn chỉnh kịp thời (nếu có).

Để các khoản thu không là gánh nặng đối với học sinh đầu năm học (ảnh minh họa)

Các khoản thu đầu năm nhất là các khoản thu thỏa thuận, thu tự nguyện luôn là vấn đề nhạy cảm, rất dễ gây bức xúc trong dư luận. Hướng xử lý của ngành về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Đúng như vậy. Do đó, phòng yêu cầu các trường phải bàn bạc, tính toán kỹ, thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, không vi phạm quy định, thực hiện đúng quy trình; phải thật dân chủ, công khai minh bạch trên cơ sở có sự thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp, nhất là sự tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Có ý kiến cho rằng, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa phát huy hiệu quả? Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho ý kiến này có tính thuyết phục ở không ít đơn vị trường học, một mặt có thể do ban đại diện cha mẹ học sinh chưa nắm kỹ quy chế hoạt động  nên chưa làm hết trách nhiệm. Mặt khác là họ nắm chưa chắc, biết không đúng nhưng muốn thể hiện vai trò của họ trong việc xã hội hóa để giải quyết những khó khăn của nhà trường (hoặc do nhà trường đề xuất).

Quan điểm của Phòng GD&ĐT TP. Huế là phải làm đúng quy định các khoản được thu và các khoản không được thu theo Thông tư 55, thu không đúng thì phải trả lại hoặc lạm thu thì phải chấn chỉnh ngay để đem lại sự công bằng trong giáo dục và trong các cơ sở giáo dục, không được lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh làm mất uy tín của nhà trường, mất niềm tin đối với xã hội.

Ông có thể cho biết công tác thanh tra, kiểm tra được ngành giáo dục thực hiện như thế nào để chống tình trạng lạm thu tại các trường học?

Ngay từ đầu năm học, phòng đã triển khai các văn bản hướng dẫn Bộ GD&ĐT, HĐND-UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND thành phố và Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm. Hiện nay, phòng yêu cầu các trường báo cáo dự toán kinh phí thu đầu năm về phòng kiểm tra, rà soát và yêu cầu trường thực hiện theo đúng quy định (nếu có hiện tượng lạm thu). Phòng GD&ĐT sẽ  tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra (gồm Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính, Thanh tra thành phố) đối với các đơn vị giáo dục trực thuộc có đơn thư phản ánh và sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu làm dư luận xã hội bức xúc.

7 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Thu tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân (xã hội hóa) thực hiện theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT.

 

 

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 5.913