Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Nam Đông phát triển nông nghiệp toàn diện
False 35882Ngày cập nhật 25/03/2014

      Mặc dù có nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp huyện Nam Đông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Phát triển nông nghiệp toàn diện, từng bước nâng cao hiệu quả, bền vững là mục tiêu đối với huyện.

          Những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua, Sản lượng lương thực năm 2013 không đạt kế hoạch đề ra, do đầu tư thâm canh chưa đúng mức, nhiều diện tích cây trồng thiếu phân bón, đó chưa nói là người dân không bón phân. Hệ thống chính trị cơ sở thiếu quan tâm trong công tác vận động, chỉ đạo nông dân sản xuất theo phương châm “bắt tay chỉ việc”. Thời tiết diễn biến phức tạp, không đủ nước gieo cấy ngay từ đầu vụ, nhiều diện tích không chủ động nước tưới trong quá trình sản xuất, nhất là thời điểm nắng hạn. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp nên năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2013 chỉ đạt 4.082 tấn, thấp hơn 45 tấn so với năm trước và 168 tấn so với kế hoạch. Chăn nuôi được xác định là lợi thế của huyện nhưng tốc độ phát triển vẫn còn chậm. Qui mô chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu nhỏ lẻ, số trang trại, gia trại rất khiêm tốn. Toàn huyện chỉ có duy nhất một trang trại nuôi lợn nái và lợn thịt ngoại với quy mô trên 100 con/lứa và hơn 50 hộ chăn nuôi quy mô từ 20-50 con. Các hộ chăn nuôi còn chủ quan với dịch bệnh, công tác tiêm vắc xin còn yếu nên nguy cơ xảy ra dịch rất cao. Giá trị bình quân kinh tế vườn còn thấp, chỉ khoảng 26 triệu đồng/ha. Thu nhập cũng không đồng đều giữa các địa phương, các vùng do nhiều diện tích cây trồng lâu năm đã lão hoá, sâu bệnh gây hại trên diện rộng, thiếu đầu tư bảo vệ thực vật. Một bộ phận nông dân thiếu quan tâm đầu tư phân bón, năng lực thâm canh còn yếu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước chưa được xoá bỏ. Nhiều diện tích cây cao su sinh trưởng kém do không bón phân hoặc bón rất ít. Tình trạng khai thác cao su non, không đúng kỹ thuật vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cao su. Nhiều hộ còn chủ quan, không chủ động tỉa cành, tạo tán cho cao su nên nhiều nguy cơ thiệt hại do gió bão. Hệ thống thuỷ nông một số xã chưa được đầu tư thỏa đáng, nhiều công trình ngày càng xuống cấp trầm trọng không đảm bảo năng lực tưới tiêu. Nhiều vùng sản xuất tập trung chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng, như đường giao thông gây ảnh hưởng rất lớn trong công tác vận chuyển, tiêu thụ nông lâm sản. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại một số xã còn yếu, thiếu chủ động, lúng túng, hoặc hoàn toàn ỷ lại lực lượng chỉ đạo của huyện. Phong trào thi đua sản xuất giỏi ở cơ sở còn yếu, nội dung thiếu thực tiễn, chưa phong phú và chưa được tổ chức thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm tuy có cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

       Phát triển nông nghiệp toàn diện Mục tiêu của huyện Nam Đông trong năm 2014 và lâu dài là phát triển nông nghiệp toàn diện, từng bước nâng cao hiệu quả và bền vững. Phấn đấu hằng năm, toàn huyện đưa giống lúa xác nhận (cấp 1) vào gieo cấy đạt trên 90%. Các loại hoa màu được mở rộng diện tích, chủ yếu cây trồng có giá trị kinh tế cao, như mía, ớt cao sản, bí đỏ, mướp đắng, bí đao. Chuyển đổi các loại cây thu nhập thấp sang trồng cây sầu riêng, cam Sài Gòn, cam Valencia, chanh ghép, mít nghệ ghép, tre lấy măng, dứa... Phấn đấu trong năm 2014, bình quân mỗi ha vườn đạt gần 30 triệu đồng. Các địa phương tập trung hướng dẫn bà con chăm sóc cây cao su, tăng cường thâm canh, kỹ thuật khai thác nhằm nâng cao chất lượng, tuổi thọ vườn cao su. Phấn đấu diện tích cây cao su đưa vào khai thác trong năm 2014 là 2.100 ha, sản lượng mủ đạt 7.000 tấn; chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, nâng tổng đàn bò lên 2.450 con, trâu 1.600 con, lợn 12.000 con và đàn gia cầm 120 ngàn con..

     Để đạt mục tiêu đề ra, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân trong sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Phong trào thi đua sản xuất giỏi, nhất là ở các xã định canh định cư được tăng cường, gắn với việc đưa nội dung sản xuất giỏi vào bình xét công nhận gia đình văn hoá nhằm phát huy năng lực sản xuất. Đội ngũ khuyến nông được nâng cao năng lực, tăng cường về các xã, bám địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Lực lượng này còn có nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển giao các kỹ thuật hạn chế rũi ro thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn nông dân các biện pháp hạn chế đỗ gãy cao su bằng biện pháp tỉa cành, tạo tán, sử dụng máng che mưa cho cây cao su đang khai thác. Thực hiện các biện pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp và khuyến khích hình thành tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan chức năng làm cầu nối liên kết doanh nghiệp với hộ nông dân, làm tốt công tác cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu bình quân mỗi xã xây dựng 1-2 tổ hợp tác, chú trọng các tổ có điều kiện, như tổ hợp tác nuôi ong, sản xuất giống cây trồng và quản lý rừng tự nhiên. Huyện tiếp tục đầu tư hệ thống đường giao thông đến các vùng sản xuất, tạo thuận lợi trong sản xuất và vận chuyển nông sản; đồng thời đầu tư hệ thống thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các ban ngành rà soát qui hoạch và bổ sung nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp cấp xã, huyện đến năm 2020 và định hướng đến 2030; bao gồm qui hoạch lại đất nông nghiệp, các loại hình phát triển nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hệ thống thủy nông và hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Văn Hóa
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 2.407