Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

4 chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù
False 18977Ngày cập nhật 05/06/2019

Tái hòa nhập cộng đồng là một thử thách lớn với không ít người mới ra tù, đặc biệt trong việc tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, khó khăn này sẽ vơi đi phần nào khi có sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Sau bao lâu người bị phạt tù được trở lại cuộc sống?

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội.

Hình phạt không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ và những người xung quanh ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Một trong những hình phạt nghiêm khắc hiện nay là hình phạt tù. Theo Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội có thể bị tù có thời hạn hoặc tù chung thân.

Không tính đến tù chung thân, những người chịu hình phạt tù có thời hạn sẽ bị giam giữ tối thiểu 03 tháng và tối đa 20 năm. Sau thời gian này, họ được trở về và hòa nhập với cộng đồng.

Chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù

Theo quy định tại Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH, người chấp hành xong hình phạt tù sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc tìm kiếm việc làm. Cụ thể:

- Được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp

Nếu người ra tù tham gia đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thì được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hưởng chính sách nội trú.

Nếu tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng thì được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại.

Riêng những người không thuộc các đối tượng nêu trên sẽ nhận sự hỗ trợ tùy theo quyết định của các cơ quan chức năng.

- Được tư vấn, giới thiệu việc làm

Không có việc làm, chưa có thu nhập, những người mới ra tù sẽ được các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm miễn phí.

Bằng nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp, tư vấn tập trung, tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử hay tại các phiên giao dịch việc làm, họ có cơ hội tiếp cận với nhiều công việc ở các lĩnh vực khác nhau, được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của bản thân.

- Được vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm

Nếu có nhu cầu vay vốn đào tạo nghề nghiệp thì người ra tù được vay 1,5 triệu đồng/thángtừ Ngân hàng Chính sách xã hội (Điều 1 Quyết định 751/QĐ-TTg).

Trường hợp muốn vay với số tiền lớn hơn để tạo việc làm thì người ra tù có thể vay từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức vay tối đa là 50 triệu đồng (khoản 2 Điều 24 Nghị định 61/2015/NĐ-CP).

Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm là những công việc tích cực, có ý nghĩa không chỉ riêng bản thân người lao động mà còn góp phần giải quyết việc làm cho những lao động khác. Do vậy, người chấp hành xong hình phạt tù còn được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

- Được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Để tạo sự công bằng, không phân biệt đối xử với người chấp hành hình phạt tù, nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì họ sẽ được hỗ trợ như những người lao động khác.

Ngoài việc trợ giúp về việc làm, người chấp hành xong hình phạt tù nếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thì còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác (trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế,…) để ổn định cuộc sống.

Với những chính sách này, Nhà nước muốn tạo điều kiện tốt nhất để những người lầm lỡ xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti để tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống./.

 

 

Phòng Tư pháp
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 6.609