Đau mắt đỏ có thể do tác nhân virus (Adenovirus, Herpes) hoặc vi khuẩn (liên cầu, phế cầu, tụ cầu) gây ra. Với trường hợp này, bệnh rất dễ lây lan cho người xung quanh. Vì vậy có thể bị viêm kết mạc mắt do truyền nhiễm khi:
+ Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, họng của người bị nhiễm bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi.
+ Chạm vào đồ vật có dịch tiết của người bệnh như: tay nắm cửa, bàn ghế, …, hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, …
+ Trẻ mút ngón tay không được vệ sinh sạch sẽ hoặc mút, liếm đồ vật bị nhiễm bẩn
+ Trẻ tắm, bơi lội trong nguồn nước không sạch
Nếu trẻ bị viêm kết mạc do virus/vi khuẩn, cha mẹ cần chú ý tuyệt đối không cho trẻ dùng chung đồ cá nhân, đặc biệt là khăn mặt, vỏ gối với người khác. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cách ly trẻ ở nhà, không cho trẻ đi học để tránh lây nhiễm bệnh sang cho trẻ khác.
Để chủ động phòng, chống và không để dịch bùng phát, Các trường học cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, học sinh trong nhà trường; phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện bệnh để thông báo ngay cho gia đình và cơ quan y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, nhà giáo, cán bộ nhân viên nhà trường và cha mẹ học sinh các kiến thức về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đau mắt đỏ. Giáo dục các em học sinh làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền tích cực giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Nhà trường cần hướng dẫn cho các em học sinh có ý thức và kỹ năng phát hiện bệnh, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đau mắt đỏ như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; không dùng chung vật dụng cá nhân, thực hiện vệ sinh phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế./.