Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tuyên truyền miệng: Những yếu tố cần và đủ
False 16026Ngày cập nhật 15/10/2018

Công việc của người tuyên truyền miệng đòi hỏi phải hội tụ ba yếu tố: Tâm huyết - Vốn sống - Năng khiếu. Người có tâm huyết với nghề, nhưng thiếu vốn kiến thức, thiếu vốn sống và kinh nghiệm… thì chẳng có gì để nói. Người có vốn kiến thức rộng, nhưng không có tâm huyết sẽ không có động lực, có nghĩa là không có “lửa” để “truyền lửa”. Tuy có tâm huyết, có “nguồn vốn” nhưng nếu thiếu năng khiếu thì cũng hạn chế đến kết quả công tác tuyên truyền miệng.

Tuyên truyền miệng được tiến hành thông qua sự giao tiếp bằng lời nói trực tiếp giữa người nói (nhà tuyên truyền) và người nghe (đối tượng được tuyên truyền) mà không có sự ngăn cách nào. Thông qua tuyên truyền miệng, người tuyên truyền (chủ thể) tác động  làm chuyển hóa, nâng cao nhận thức, tư tưởng của người nghe (khách thể). Mặt khác, qua hoạt động của báo cáo viên, qua lời  nói, cử chỉ, hành động... cổ vũ, động viên người nghe.

Nội dung tuyên truyền miệng được thực hiện thông qua giao tiếp mà công cụ chủ yếu để giúp chuyển tải thông tin là ngôn ngữ nói. Nói là một “kiểu” tuyên truyền tổng hợp, kết hợp được ngôn ngữ nói với biểu cảm, phong cách, thái độ được thể hiện trên nét mặt, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của báo cáo viên. 

Ánh mắt là “cửa sổ” của tâm hồn. Nét mặt, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười… là một loại “ngôn ngữ thầm” nếu được kết hợp chặt chẽ với ngôn ngữ nói sẽ có sức truyền cảm mà chỉ có những người biết làm công tác tuyên truyền miệng mới thực hiện được.

Một khuôn mặt sáng sủa, dễ thương, thân thiện là khuôn mặt tự biết nói. Qua những biểu hiện đó, nội dung lời nói được minh họa sâu sắc hơn, tiếng nói không đơn điệu mà trở nên sống động. 

Báo cáo viên là người “truyền lửa”, người nghe cảm thụ được niềm vui, nỗi buồn, sự mỉa mai, thái độ kiên quyết, niềm tin mãnh liệt từ buổi nói chuyện, làm cho hiệu quả tuyên truyền được nâng lên rất nhiều. Điều này, chẳng những tạo ra mối quan hệ đồng cảm, gần gũi giữa người nói với người nghe mà còn để lại trong lòng người nghe những ấn tượng sâu sắc về một phong cách, cái duyên, sức hấp dẫn từ mỗi con người.

Công việc của người tuyên truyền miệng đòi hỏi phải hội tụ ba yếu tố: Tâm huyết - Vốn sống - Năng khiếu. Người có tâm huyết với nghề, nhưng thiếu vốn kiến thức, thiếu vốn sống và kinh nghiệm… thì chẳng có gì để nói. Người có vốn kiến thức rộng, nhưng không có tâm huyết sẽ không có động lực, có nghĩa là không có “lửa” để “truyền lửa”. Tuy có tâm huyết, có “nguồn vốn” nhưng nếu thiếu năng khiếu thì cũng hạn chế đến kết quả công tác tuyên truyền miệng. Bởi người nghe luôn trông đợi ở báo cáo viên một sự am hiểu sâu sắc về đề tài thuyết giảng, về sự chân thật, giọng nói truyền cảm, dễ nghe, không có những cử chỉ, điệu bộ có tính chất phô diễn. Thành công của một buổi tuyên truyền luôn thể hiện rất rõ thông qua dấu hiệu trạng thái tâm lý, tinh thần của người nghe. Một cái ngáp, một tiếng thở dài, một vài gương mặt hờ hững… chưa thành vấn đề, nhưng nếu “đồng loạt” có nhiều biểu hiện này thì rõ ràng là người nghe đang không thích. Khi người nghe cứ nhìn lên trần nhà “quan sát kiến bò”, đó là dấu hiệu của sự chán nản. Khi người nghe nói chuyện riêng, quan tâm nhiều hơn đến tiếng động ngoài hội trường, thường xuyên nhìn đồng hồ hoặc sử dụng điện thoại… thì không thể khác, đó là dấu hiệu của sự không quan tâm… Nếu do bài nói chuyện nhàm chán, cách tốt nhất để báo cáo viên “ứng xử” với những dấu hiệu này là hãy rút ngắn bài nói chuyện, phát biểu của mình lại.

Có thể nói, tuyên truyền miệng có những ưu thế đặc trưng, đặc tính “vượt trội” mà các hình thức, loại hình khác không thể thay thế được. Đây là một “kiểu” tuyên truyền có điều kiện và khả năng tiến hành một cách thường xuyên, kịp thời và phổ biến, dễ thích ứng, không có giới hạn về thời gian, số lần và cũng không cầu kỳ, phụ thuộc vào công cụ, trang bị phức tạp. Vì thế, lịch sử và ý nghĩa quan trọng của công tác này gắn liền với lịch sử của công tác tư tưởng trong suốt quá trình cách mạng của Đảng ta.

Qua nhiều năm gắn bó với lĩnh vực này, xin trao đổi một số kinh nghiệm của bản thân:

Thứ nhất, phải nhận thức rõ vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của công tác tuyên truyền miệng. Để chỉ đạo công tác này, thời gian qua, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh. Đây là yếu tố “cần và đủ” bước đầu để nâng cao ý thức của cấp ủy các cấp trong việc nhìn nhận, đánh giá đúng mức độ của lĩnh vực công tác này trong tình hình mới. Song song với đó, cần chú trọng hơn nữa việc thống nhất nội dung tuyên truyền từ trên xuống dưới, với nhiều hình thức phù hợp với từng vùng, từng loại đối tượng trong dân cư và được quản lý chặt chẽ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật phát ngôn.

Thứ hai, phải hướng vào việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Thông qua hoạt động tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp, đội ngũ báo cáo viên có điều kiện hòa nhập, giúp nhân dân ở cơ sở tháo gỡ khó khăn, giải đáp kịp thời những vướng mắc của nhân dân trong phạm vi chức năng và quyền hạn của báo cáo viên. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo sức đề kháng cho người dân trước những luận điệu phản tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch.

Thứ ba, đội ngũ báo cáo viên không chỉ có “phát” mà phải luôn biết “thu” - tức là phải chú trọng nắm bắt thông tin từ trong nhân dân để phản ánh kịp thời cho lãnh đạo nhằm điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, giúp cho lãnh đạo các cấp hiểu và đánh giá đúng tình hình cũng như năng lực và phẩm chất của cán bộ ở từng địa phương.

Thứ tư, đối với một số địa bàn miền núi cần lưu ý để có phương pháp phù hợp với từng vùng (vùng biên giới, vùng đệm biên giới, vùng có “tà đạo”, vùng trọng điểm tệ nạn xã hội, vùng có hoạt động thường xuyên của người nước ngoài, v.v…). Nhiều địa phương miền núi thực hiện phương châm “lấy nhân dân giáo dục nhân dân”, tranh thủ tiếng nói từ những nhân tố tích cực ở cơ sở, những người có uy tín lớn trong cộng đồng dân cư như già làng, trưởng bản, trưởng dòng tộc, cán bộ, đảng viên cao tuổi v.v.. Một số nơi có bộ đội biên phòng đóng quân, địa phương đã biết tranh thủ đội ngũ này làm công tác tuyên truyền miệng lồng ghép thông qua các hoạt động như xóa mù chữ, khám, chữa bệnh…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng, cần quan tâm đến các yếu tố sau:

Một là, các địa phương phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi (về con người, phương tiện, kinh phí …) cho báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động. Quan tâm xây dựng các mô hình điểm, “người thật việc thật”, bởi vì như Bác Hồ căn dặn: “Một tấm gương sống còn hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Hai là, cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin cho báo cáo viên. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi để có cách điều hành đội ngũ báo cáo viên, có thể tổ chức thành từng nhóm chuyên đề như: nhóm thời sự - chính trị; nhóm khoa học - kỹ thuật; nhóm kinh tế; nhóm văn hóa - xã hội; nhóm an ninh - quốc phòng và nhóm pháp luật v.v..

Ba là, đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên phải được dày công tìm tòi, phát hiện để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Người làm báo cáo viên phải giỏi nghiệp vụ, có hiểu biết nhất định về lĩnh vực kinh tế - xã hội, phải yêu mến công việc này để say sưa nghiên cứu, tích lũy, có phương pháp và kỹ năng tổng hợp thông tin, ít nhiều có năng khiếu diễn đạt, có tâm huyết, có bản lĩnh chính trị. Đặc biệt, phải có cảm xúc. Bởi, cảm xúc của người tuyên truyền, đối với vấn đề truyền đạt có ảnh hưởng trực tiếp tới tình cảm và tư duy của đối tượng tuyên truyền như Lênin từng nói: “Thiếu cảm xúc, con người không có sự tìm kiếm chân lý”./.

nguồn: tuyengiao.vn
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 6.414