Cùng với đó hơn 500 nghìn hộ gia đình và cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng được chi trả trung bình khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha.
Chi trả dịch vụ môi trường (PES) là công cụ kinh tế, được áp dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các dịch vụ của hệ sinh thái. Hiện Việt Nam mới chỉ thực hiện chi trả dịch vụ đối với môi trường rừng và thử nghiệm đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trong 10 năm thực hiện (2011-2020), Cơ chế Chi trả dịch vụ môi trường rừng được tổ chức thực hiện tại 45 tỉnh trên 63 tỉnh của cả nước đều là những tỉnh có rừng, nơi hầu hết là lưu vực sông của các nhà máy thủy điện hoặc là nơi có thể tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, sản xuất nước sạch, sản xuất nước công nghiệp.
Theo thống kê, dịch vụ môi trường rừng được thực hiện chủ yếu ở 2 vùng Tây Nguyên (5 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum) và Tây Bắc (4 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu). Tại vùng Tây Nguyên, tổng số tiền thu dịch vụ môi trường rừng trong 10 năm là hơn 5.800 đồng; tại vùng Tây Bắc con số này là 5.800 tỷ đồng; mỗi vùng này đều chiếm khoảng 35% tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước. Tiếp đó đến vung Đông Bắc (13%), vùng Bắc Trung Bộ (7%), vùng Nam Trung Bộ (6,5%), vùng Đông Nam Bộ (2,3%), vùng Tây Nam Bộ chưa thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng .
Số tiền thu dịch vụ môi trường rừng từ nhà máy thủy điện chiếm chủ yếu, lên tới 96,4% trong khi thu tiền từ cơ sở sản xuất nước sạch là 2,9%, cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái là 0,7% và cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ ở mức 0,1%.
(Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TNMT)