Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Ra mắt ứng dụng đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn
False 24587Ngày cập nhật 19/06/2021
Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Lễ

Ngày 15/6, tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ ra mắt ứng dụng đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn. Tham dự buổi lễ có bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TBXH); bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam; ông Cho Han Deog - Giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh. Hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó, có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm đi-ô-xin. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Thực hiện Quyết định số 303/QĐ-TTg ngày 08/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Việt Nam – Hàn Quốc về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc; Quyết định số 1933/QĐ-BQP ngày 30/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc phê duyệt dự án Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; trong giai đoạn vừa qua, Bộ LĐ-TBXH đã rất quan tâm, phối hợp với UNDP và các địa phương khắc phục hậu quả bom mìn bao gồm rà phá bom mìn, hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Đặc biệt, việc triển khai các nhiệm vụ của hợp phần Hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó đã thiết kế xây dựng phần mềm đăng ký và quản lý thông tin xác định mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật.
Phát biểu tại lễ ra mắt ứng dụng đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn, bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: tính đến cuối năm 2020, phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được triển khai trên địa bàn 09 tỉnh/thành phố là Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Vĩnh Long. Số lượng người khuyết tật quản lý trên hệ thống là hơn 90.000 người, trong đó có khoảng 75.000 NKT từ 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định.
“Thông tin từ hệ thống phần mềm đã được sử dụng cho hoạt động quản lý hỗ trợ trường hợp và cấp giấy xác định mức độ khuyết tật và là cơ sở để hỗ trợ y tế, sinh kế và đào tạo dạy nghề cho nạn nhân bom mìn tại các địa phương” – bà Phạm Thị Hải Hà nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hải Hà nhận định, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn là một giải pháp quan trọng, góp phần trợ giúp cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. 
Cũng theo bà Phạm Thị Hải Hà, trong thời gian tới, phần mềm cũng sẽ tiếp tục được nâng cấp với các tính năng tiên tiến, thuận lợi hơn cho cán bộ quản lý và NKT, NNBM như chức năng cho phép đăng nhập bằng vân tay; Cho phép nhập thông tin ngoại tuyến trên ứng dụng; Tích hợp chức năng chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Tích hợp giọng nói cho phép NKT, NNBM khai báo, điều hướng thông tin bằng giọng nói để phần mềm ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

20210615144608.jpg

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP phát biểu tại lễ ra mắt

Tại lễ ra mắt, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề của người khuyết tật, những người nằm trong các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Đánh giá nhanh về tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với người khuyết tật của UNDP cho thấy, có khoảng 24% người tham gia khảo sát không có giấy chứng nhận khuyết tật và đây là một trong những nguyên nhân khiến họ chưa tiếp cận được đầy đủ với các dịch vụ và hỗ trợ cần thiết.
Bà Caitlin Wiesen chia sẻ: "Chúng tôi rất vui khi cùng hợp tác với VNMAC, Bộ LĐ-TBXH và KOICA thông qua một trong những dự án hành động bom mìn lớn nhất ở Việt Nam, đã xây dựng và đóng góp giải pháp số đem lại lợi ích cho không chỉ nạn nhân bom mìn, mà cả cộng đồng người khuyết tật. Dữ liệu cập nhật, chính xác, đáng tin cậy giúp Chính phủ cung cấp đầy đủ dịch vụ và hỗ trợ cần thiết người khuyết tật”.
 
Chia sẻ về lần đầu tiếp cận với ứng dụng, chị Trần Lệ Quyên - giáo viên ngôn ngữ ký hiệu của trung tâm SCDeaf (Trung tâm hỗ trợ và kết nối người điếc với xã hội) cho biết: “Ứng dụng phần mềm này thật sự thân thiện và dễ sử dụng. Tôi thấy đây là ứng dụng tốt và cần thiết cho người khuyết tật”.
“Khi truy cập vào ứng dụng này, tôi có thể đăng ký thông tin để xin xác nhận mức độ khuyết tật với chính quyền địa phương. Với những bạn khuyết tật ở vùng sâu vùng xa, sử dụng ứng dụng này sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian đi lại và họ có thể cập nhật được nhu cầu, từ đó có thể nhận được những hỗ trợ của Chính phủ và các dự án khác nhau” - anh Cao Ngọc Hùng - vận động viên môn ném lao, Hiệp hội Paralympic Việt Nam bày tỏ.
Được biết, ứng dụng được nâng cấp trên nền tảng số do Trung tâm quốc tế (IC) xây dựng cho Chính phủ Việt Nam, với sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao Mỹ. IC và UNDP đã điều phối việc hỗ trợ nâng cấp ứng dụng và Dự án KVMAP đã hỗ trợ nâng cấp bổ sung tính năng tiên tiến về quản lý trường hợp và ứng dụng trên điện thoại di động.
Thông qua ứng dụng đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn sẽ giúp cho Bộ LĐ-TBXH và Sở LĐ-TBXH các tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin người khuyết tật một cách kịp thời và chính xác, cũng như hoạch định chính sách dựa trên cơ sở bằng chứng và thực hiện hỗ trợ chính sách đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật.

Trích dẫn nguồn tin từ trang TTĐT Bộ Lao đông - TB&XH tại địa chỉ websize: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=226170

Đặng Giang Chữ
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 8.723