Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
False 26639Ngày cập nhật 17/06/2021
 
Trang thông tin điện tử phổ biến pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế
Trang thông tin điện tử phổ biến pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua của tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng nhu cầu của người dân về tìm hiểu pháp luật.

Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Sau khi triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, công tác ứng dụng công thông tin vào phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, địa phương ngày càng quan tâm với sự đầu tư, từng bước nâng cấp các Trang thông tin điện tử, ứng dụng các mạng xã hội (zalo, facebook,...), mạng viễn thông để thông tin, tuyên truyền pháp luật một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão,...

Trong 3 năm thực hiện đề án, Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế đã cập nhật 40 tài liệu tuyên truyền pháp luật có sẵn; đã đăng tải hơn 1.500 tình huống pháp luật thuộc 54 lĩnh vực; đã đăng tải 21 tin, bài, văn bản và 60 tình huống hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải cơ sở,… Trung bình mỗi năm, Chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế đăng tải gần 1.200 tin, bài, giải đáp pháp luật (thu hút gần 94.300 lượt truy cập); Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, địa phương đăng tải hơn 1.500 tin, bài.

Với tốc độ phát triển của công nghệ, việc tuyên truyền thông qua các kênh mạng xã hội, đặc biệt là facebook đang là việc không thể thiếu trong công cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật, thay vì vẫn áp dụng phương thức báo chí cũ và khó tiếp cận. Nhiều cơ quan, địa phương ngoài chú trọng thông tin, tuyên truyền pháp luật qua Cổng/Trang thông tin điện tử đã tập trung triển khai thông tin, tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, facebook (Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông...).

Vào năm 2020 Sở Tư pháp đã xây dựng fanpage “Pháp luật với Cuộc sống”. Trung bình mỗi tuần đăng tải 01 nội dung lên Fanpage “Pháp luật với Cuộc sống”, đã đăng tải gần 50 nội dung: tuyên truyền, giới thiệu các quy định pháp luật về bầu cử thể hiện dưới hình thức video clip, tờ gấp, câu chuyện pháp luật, tiểu phẩm pháp luật,...

Không ngừng hoàn thiện 

Sau 3 năm triển khai và thực hiện Đề án, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.

Để có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Bên cạnh đó là việc không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có kỹ năng công nghệ thông tin, vừa có kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn Chuyển đổi số hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai trong bối cảnh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam, xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế nên công tác triển khai được các cơ quan, địa phương nhận thức đầy đủ, chú trọng tăng cường và xác định là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, phù hợp nhu cầu của đông đảo người dân.

Nhằm tăng tính hiệu quả của đề án cũng như cải thiện những khó khăn đã gặp phải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng trong thời gian tới, Tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng các hoạt động trực tuyến, tăng tính tương tác với người dân, doanh nghiệp, triển khai thêm các hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật trực tuyến cho người dân. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng tin bài, tăng cường ứng dụng mạng xã hội, mạng viễn thông vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có kỹ năng về công nghệ thông tin, mạng xã hội; đồng thời nâng cao các kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng sự nhạy bén trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn về cơ chế để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật (các lĩnh vực tư vấn, giải đáp pháp luật trực tuyến, quảng cáo trên mạng xã hội,...). Bổ sung, quy định rõ một số nội dung và mức chi liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

 

thuathienhue.gov.vn (CTV)
Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.334.853
Truy cập hiện tại 3.303