Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TU của Tỉnh ủy về một số vấn đề chính sách xã hội cho giai đoạn 2021- 2025
False 22694Ngày cập nhật 04/06/2021

Ngày 31/5/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 18/02/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025.

Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về hệ thống chính sách xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế, người nghèo, hộ thuộc diện khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng về việc làm, dạy nghề đối với người có công và thân nhân người có công; bảo đảm trên 99% người có công và gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Trong năm 2021, giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Đầu tư, nâng cấp giai đoạn 2 cho cơ sở 2 Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh đáp ứng nhu cầu về chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng trong tỉnh; tổ chức điều dưỡng luân phiên và thường xuyên cho người có công theo quy định...

Về chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021- 2025; huy động, lồng ghép các nguồn lực hợp pháp cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0%- 2,2%; duy trì và triển khai thực hiện tốt, có hiệu  quả các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh...

Về chính sách việc làm, dạy nghề: Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%- 75%; trung bình hằng năm giải quyết việc làm mới trên 16.600 lao động. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...

Về bảo hiểm xã hội: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, phù hợp, đa dạng, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân; nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, lao động phi chính thức; làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội; bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Về giáo dục, đào tạo: Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội học tập, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên, tạo nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đẩy mạnh xã hội hóa, có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, xã hội đầu tư nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục.

Mở rộng, tăng cường các chế độ hỗ trợ, nhất là đối với học sinh thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phổ cập giáo dục bền vững. Nâng cao chất lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú; xây dựng và củng cố nhà trẻ trong vùng nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 94,6% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Về y tế, chăm sóc sức khỏe: Tiếp tục thực hiện đồng bộ chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở cơ sở, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; cung ứng đủ thiết yếu. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 98,0%; 50% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nhất là tiêm chủng mở rộng; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; phòng, chống lao và HIV/AIDS. Phấn đấu  trên 95%  trẻ dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn dưới 6,7%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 9,3% vào năm 2025; 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc vào năm 2025; 100% thôn có nhân viên y tế thôn bản hoạt động đối với các thôn hoặc xã đặc biệt khó khăn sử dụng cô đỡ thôn bản làm y tế thôn.

Về chính sách nhà ở: Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; áp dụng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội. Phấn đấu đạt diện tích sàn nhà ở bình quân đến năm 2025 đạt 26m2 sàn/người và đến năm 2030 đạt 30,48 m2 sàn/người”.

Về đảm bảo nước sạch: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ gia đình được sử dụng nước sạch ở đô thị và nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở nông thôn đạt gần 100% dân số theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị...

Về đảm bảo thông tin-truyền thông: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình đưa thông tin về cơ sở; củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân nghèo. Phấn đấu duy trì 100 % tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình; 76,5% xã có Bưu điện văn hóa xã; 100% tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động và kết nối internet đến tận thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh. 100% xã có Trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của địa phương cho người dân. 100% dịch vụ hành chính công đảm bảo đủ điều kiện để cung cấp trực tuyến, đồng thời cung cấp dịch vụ bưu chính công ích cho các tổ chức, người dân sử dụng...

Về văn hóa: Phấn đấu đến năm 2025, có 95% khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững khu dân cư văn hóa, có 95% gia đình đạt chuẩn văn hóa.

 
Trích nguồn: thuathienhue.gov.vn
Lê Thị Cẩm Hòa - Phòng Nội vụ huyện
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.334.853
Truy cập hiện tại 1.097