Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

'Văn bản quy định chi tiết' được hiểu như thế nào?
False 16209Ngày cập nhật 30/04/2021

(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật Unions (Thái Nguyên), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) không có giải thích từ ngữ “văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành văn bản” nên các cơ quan nhà nước không có căn cứ để xác định một văn bản QPPL được coi là quy định chi tiết.

Tại Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản QPPL có quy định: “Văn bản QPPL hết hiệu lực thì văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Tuy nhiên Luật lại không có giải thích từ ngữ “văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành văn bản” nên các cơ quan nhà nước không có căn cứ để xác định một văn bản QPPL được coi là quy định chi tiết, dẫn đến tình trạng Luật hết hiệu lực, được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhưng Nghị định được ban hành căn cứ vào Luật đó vẫn còn tồn tại, Nghị định hết hiệu lực, được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhưng Thông tư được ban hành căn cứ vào Luật, Nghị định đó vẫn còn tồn tại...

Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật Unions đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội bổ sung định nghĩa như thế nào được xác định là một văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên để có căn cứ thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản QPPL nêu trên.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Bộ Tư pháp đánh giá cao về vấn đề phản ánh, kiến nghị của Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật Unions. Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Tư pháp sẽ tập hợp, nghiên cứu kỹ để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng tốt hơn.

Vấn đề quy định thế nào là “văn bản quy định chi tiết” và xác định hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thì Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ) đã có một số quy định liên quan như quy định các trường hợp cần giao quy định chi tiết, yêu cầu về nội dung, thời hạn ban hành, hiệu lực của văn bản quy định chi tiết…

Cụ thể, Khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định: “1. Văn bản QPPL phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và có những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”.

Theo quy định này thì “văn bản chi tiết” là văn bản QPPL quy định cụ thể các nội dung được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Việc giao ban hành văn bản quy định chi tiết phải được quy định ngay tại điều, khoản, điểm của văn bản QPPL, trong đó nêu rõ cơ quan được ban hành văn bản quy định chi tiết và nội dung giao quy định chi tiết (nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác) phải cụ thể.

Xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực

Trường hợp văn bản QPPL được xác định là văn bản QPPL quy định chi tiết thì đương nhiên hết hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết thi hành theo quy định tại Khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Tại Khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cũng đã quy định rõ về việc xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực, cụ thể như sau:

“2. Xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực:

a) Văn bản QPPL hết hiệu lực thì văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;

b) Trường hợp văn bản QPPL được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;

c) Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản QPPL, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ”.

Chinhphu.vn

Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 6.128