Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Cây trái Nam Đông
False 17785Ngày cập nhật 03/01/2021

Từ chỗ chỉ là “cây nhà lá vườn” để trao đổi, làm quà và quẩn quanh nơi quê, nay cây ăn quả của Nam Đông dần tạo được thương hiệu, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Cam Nam Đông được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ưa chuộng

Nam Đông trước đây chủ yếu là đồng bào Cơ Tu với tập quán du canh du cư, sau năm 1975 có thêm người dân đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới. Với khát vọng xây dựng cuộc sống mới, một thời gian dài người dân Nam Đông cứ loay hoay với câu chuyện trồng cây gì phù hợp, hiệu quả kinh tế cao.

Cơ duyên

Hiện nay, nhắc tới cây ăn quả tại huyện Nam Đông đầu tiên phải kể đến cây cam. Cam Nam Đông giờ đã có thương hiệu, được nhiều người biết đến. Nhưng ít ai biết rằng, quả cam này vốn không có nguồn gốc từ địa phương mà là giống cây ngoại lai, với tên gọi ban đầu là cam Sài Gòn.

Theo lời giới thiệu của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nguyễn Hữu Ánh, tôi tìm gặp ông Phan Thế Xê, nguyên Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Nam Đông - người được mệnh danh là “cha đẻ” của cam Nam Đông.

Ông Xê cho biết, đây vốn là giống cam được người Mỹ đưa vào miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, người dân các nơi đi kinh tế mới, đến khai hoang tại Nam Đông và mang theo cây giống dưới dạng chiết cành, được trồng nhỏ lẻ trong vườn của một số ít hộ dân.

Dứa Kaien có vị ngọt thanh và kích cỡ lớn

Khoảng năm 1990, cam Nam Đông bắt đầu có những bước chuyển đầu tiên khi Sở NN&PTNT chọn thử nghiệm 4ha cam Vân Du Nghệ An tại huyện, nhưng không hợp thổ nhưỡng. Bản thân ông Xê khi đó được giao nhiệm vụ cùng đoàn đi khảo sát một số vườn của hộ gia đình tại xã Hương Lộc, phát hiện giống cam Sài Gòn vẫn còn được bảo tồn tại đây và quyết định nhân giống bằng phương pháp ghép cành với những cây cam chua Nghệ An được chọn lọc kỹ lưỡng.

Đến đầu năm 2002, ông Xê bắt tay vào trồng đại trà giống cam Sài Gòn với diện tích 3ha và thu được kết quả khả quan vào năm 2006. Cũng từ đó, nhiều hộ dân dần nhân rộng, điển hình như gia đình ông Phan Gia Năm ở xã Hương Hữu, ông Đặng Trợ ở xã Thượng Quảng, hàng năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng từ cam.

Cũng theo chân người dân kinh tế mới, giống chuối tiêu và Thanh Tiên có mặt ở Nam Đông từ khá lâu, nhưng chỉ trồng rải rác trong các hộ gia đình. Đây là hai giống chuối thơm ngon, phù hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Nam Đông đã chọn lọc các cây chuối con đạt chuẩn tại những vườn chuối chất lượng cao để nhân giống đại trà hỗ trợ bà con phát triển kinh tế vườn.

Với dứa Kaien, đây cũng là giống ngoại lai “thâm nhập” vào Nam Đông từ năm 1996. Theo lời kể của ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Nam Đông, khi đó có một doanh nghiệp dự định xây dựng nhà máy chế biến dứa trên địa bàn tỉnh nên triển khai một số vùng nguyên liệu. Đáng tiếc dự án không thực hiện, dứa Kaien dần mai một.

Ông Lê Minh Hòa (thôn Ta - rung, xã Hương Sơn), một trong những hộ có diện tích trồng dứa lớn của xã với khoảng 1.000 gốc cho biết, giống dứa Kaien trước đây đã xuất hiện tại xã, nhưng không phổ biến và chỉ còn một vài người dân địa phương lưu giữ. Năm 2018, ông Hòa bỏ công tìm mua giống dứa Kaien chính gốc từ bà con địa phương và “đánh liều” trồng xen canh trên diện tích cam của gia đình.

Theo ông Hòa, dứa Kaien trồng mất chừng 1,5 năm mới bắt đầu cho quả. Tháng 5/2020, vườn dứa của gia đình lần đầu cho thu hoạch khoảng 700 quả với trọng lượng trung bình 3,5 kg, giá bán thị trường từ 50 - 60 nghìn đồng/quả.

Nâng tầm đặc sản

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người nông dân Nam Đông có cơ hội xác định lại các loại cây hiện hữu và “Gạn đục khơi trong”, tìm ra những cây trồng chủ lực để phát triển lâu dài.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện thông tin, hiện huyện Nam Đông xác định 3 loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế vườn gồm: Cam Nam Đông, chuối đặc sản và dứa Kaien. Đến nay, toàn huyện Nam Đông đã phát triển được gần 220 ha cam, 199 ha chuối đặc sản và khoảng 50 ha dứa Kaien. Vừa qua, hai sản phẩm là chuối đặc sản và cam Nam Đông của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hòa đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đang trong quá trình chuyển lên hội đồng thẩm định của tỉnh.

Anh Lê Bá Hùng, người dân tại TP. Huế cho biết, gia đình có người thân ở Nam Đông nên thường được biếu tặng nhiều loại cây ăn quả. Trong đó, ấn tượng nhất là cam và dứa, 2 lại quả này có chất lượng không thua kém các vùng đặc sản nổi tiếng trong nước.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, một trong những đột phá của Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu gia trại, trang trại tập trung.

Theo đó, huyện tập trung phát triển các cây trồng có giá trị, hiệu quả, an toàn (trong đó có các loại cây ăn quả); tiến hành xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản đặc sản Nam Đông. Đồng thời, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại. Xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn.

“Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các vườn cây ăn quả của Nam Đông vài năm trở lại đây còn là địa điểm thu hút du khách tham quan và trải nghiệm. Nếu tận dụng được lợi thế trên, đây sẽ là “đòn bẩy” góp phần phát triển du lịch của địa phương”, ông Lê Thanh Hồ thông tin.

PHÒNG GD&ĐT

 

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 456