Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Lũ bão và khó khăn đối mặt của ngành giáo dục
False 9608Ngày cập nhật 22/11/2020

Những thiệt hại do bão lụt gây ra trong nhiều tháng qua đã và đang đặt ra nhiều khó khăn và thử thách mà ngành giáo dục Thừa Thiên Huế phải đối mặt và vượt qua.

Học sinh hứng thú khi đọc sách ở thư viện

Sơ tính... 80 tỷ đồng

Báo cáo ngày 31/10/2020 của Công đoàn ngành giáo dục Thừa Thiên Huế cho thấy, cơ sở trường lớp bị thiệt hại nặng nề, toàn tỉnh có 225 phòng bị tốc mái, 1.429 phòng bị thấm dột, tấm lợp bị mục; 4.714m2 hàng rào và 11.254m2 sân vườn, đường đi bị sập và nghiêng; 3.442 cây xanh gãy đổ; 207 thiết bị ngoài trời (đối với bậc học mầm non) và 3.124 bộ bàn ghế học sinh bị hư hỏng. 

Các phương tiện phục vụ cho công tác lên lớp cũng bị ảnh hưởng khi qua thống kê có 542 bộ máy vi tính, 228 bộ tivi và smart touch, 48 phòng (lab), 266 bộ thiết bị dùng chung các cấp học và 105 máy photo, máy scan, máy in, máy chiếu, đàn organ, thiết bị khác... bị hư hỏng. Toàn tỉnh có 6.697 quyển sách giáo khoa, sách thư viện tại các đơn vị trường học bị ẩm ướt và hư rách.

Cũng theo Công đoàn ngành giáo dục Thừa Thiên Huế, tuy không có người chết nhưng toàn tỉnh có 2 học sinh bị thương, 14 học sinh có bố hoặc mẹ chết do lũ lụt; 1 học sinh có bố bị thương do lũ lụt. Hơn 500 cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ lụt gây ra. Đặc biệt, có 15.071 bộ sách giáo khoa và 13.181 cuốn vở học sinh bị nước cuốn trôi và hư ẩm.

Con số thiệt hại về cơ sở vật chất trường lớp do lụt bão gần 80 tỷ đồng theo tính toán của Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế chỉ được xem là sơ tính, bởi diễn biến thời tiết vẫn còn rất đỏng đảnh và cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều cơ sở trường học dù đã trải qua cả tháng nhưng vẫn ngập nước, khó lường được hết những khó khăn và thiệt hại.

Hết lụt bão là học ngay

Không phải là chuyện lạ nhưng liên tiếp "lụt chồng lên bão", "lụt chồng lụt" và toàn là thứ bão dữ, lụt to như gần đây ở Thừa Thiên Huế thì lại là loại “hàng hiếm”. Khảo sát cho thấy, đa số trường học trên địa bàn đều bị ngập lụt, trong đó nhiều trường ngập sâu trên 1 mét, nặng nhất là các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà và thành phố Huế (các phường nội thành và vùng hạ nguồn sông Hương, sông Bồ). Số trường học bị ngập lụt ở thị xã Hương Trà là 65,07%; huyện Phong Điền 57,57%;  huyện Phú Vang 54,21%…

Nhiều trường học ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền  và thị xã Hương Trà bị nước nhấn chìm phòng học, nhà hiệu bộ và các trang thiết bị, bàn ghế.... Sợ bàn ghế ngâm nước lâu ngày hư hỏng nên các giáo viên cùng xắn tay áo vào dọn dẹp, lau trường để đón học sinh quay lại trường. Các giáo viên cũng chủ động nắm bắt tình hình nhà các học sinh nếu có khó khăn sẽ kịp thời hỗ trợ. Cô Lê Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học  Trần Quốc Toản (Phong Điền) cho biết: Trong trường nhiều em có hoàn cảnh rất thương tâm, nhất là bố mẹ bị thiệt mạng trong bão lụt hoặc khó khăn do trôi hết tài sản có nguy cơ bỏ học. Nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em sách vở, áo quần, học bổng... yên tâm đến lớp.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra, đánh giá lại điều kiện trường lớp ở các xã đang bị ngập nước trên địa bàn. Ngay thời điểm này, tại một số vùng thấp trũng như huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang... vẫn còn ngập sâu trong nước. Vấn đề đặt ra là việc bảo đảm chương trình và chất lượng học tập. Nhiều trường có kế hoạch tổ chức dạy bù trong vòng 3 tuần. Trước mắt, các trường không tổ chức dạy như thời khóa biểu cũ mà sẽ triển khai theo môn học. Để giảm áp lực và tránh quá tải cho học sinh, nhiều trường chia thời khóa biểu sao cho mỗi ngày không quá 8 tiết cả chính khóa và học bù.

Bề bộn những nỗi lo

Có dịp đi về nhiều địa phương vùng ngập úng, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng phơi sách rất cảm động khi bên cạnh bao thứ đồ phơi ngày lụt có cả những cuốn sách, cuốn tập bị ẩm ướt, trang giấy dính vào nhau lem nhòe mặt chữ. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị trên cơ sở các nguồn cứu trợ (từ Sở GD&ĐT giới thiệu, hoặc từ chính quyền địa phương), tập trung trang bị các thiết bị thiết yếu: chăn, gối, áo quần, tư trang vệ sinh cá nhân, sách vở, vệ sinh nước uống, bảo đảm an toàn sức khỏe khi tổ chức bán trú cũng như học tập cho học sinh tại trường.

Nhiều hoạt động cứu trợ được triển khai. Tiêu biểu như học bổng “Tiếp sức đến trường - Ngăn dòng bỏ học” của qũy Chí thiện đã trợ giúp cho hàng trăm học sinh khó khăn do bão lũ Quảng Điền và Phú Lộc. Với học bổng nhận được, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trường TH và THCS Xuân Lộc (Phú Lộc) bảo,  có thể “mua một cái áo mưa, một chiếc áo phao, một cái áo ấm, ăn một bữa cơm có thịt cùng người thân và mua sách vở đi học”. Nghe cô học trò nhỏ trải bày mà sao lòng mình như quặn đau!

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Sở đang yêu cầu các trường tiếp tục tổng hợp những thiệt hại để có hướng xử lý và khắc phục. Sở cũng yêu cầu các trường nắm bắt tình hình của học sinh, không để các em gặp khó khăn mà phải nghỉ học”. Có thể nói, đó là một trong những nỗi lo lớn nhất của giáo dục Thừa Thiên Huế vào thời điểm này khi mà bão lụt đã và đang để lại nhiều tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

PHÒNG GD&ĐT

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.690