Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

An sinh cho người lao động
False 19754Ngày cập nhật 07/04/2020

Bên cạnh phòng chống dịch, chính quyền địa phương, các ban ngành bước đầu đã có những giải pháp cùng chia sẻ với người lao động (LĐ) vượt qua khó khăn, đảm bảo an sinh.

Lao động tự do là một trong những đối tượng đang chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19

Không bỏ sót nhưng đúng đối tượng

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Thiên làm nghề kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Suốt hơn 2 tháng, thu nhập của vợ chồng anh chỉ “lông bông” đôi ba trăm nghìn mỗi ngày vì vắng khách. Kể từ ngày 27/3, khi TP. Huế có yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, cà phê tạm đóng cửa để phòng dịch COVID-19, gia đình anh Thiên xem như “trắng” thu nhập.

Ông Phạm Mân làm nghề đạp xích lô ở TP. Huế than thở: “Là LĐ chính trong gia đình, phải nuôi mẹ già và 2 con ăn học, không có dịch mới tạm đủ trang trải, nhưng tình hình dịch căng thẳng kéo dài như ri gia đình tui không biết lấy chi mà sống. Hết chở khách du lịch, giờ phải chuyển qua tìm mối chở hàng. Mỗi ngày chỉ được vài ba “cuốc” cũng chẳng được mấy đồng”.

Tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp do đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng, ngành nghề trên địa bàn, từ đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập đến hộ kinh doanh cá thể...

Thống kê sơ bộ, lực lượng LĐ từ 15- 59 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 773 nghìn người, chiếm khoảng 57% dân số. Theo cơ cấu LĐ hiện có các nhóm: chủ cơ sở sản xuất; tự làm; LĐ gia đình; làm công ăn lương; xã viên HTX. Theo thống kê sơ bộ, nhóm “LĐ tự làm” và “LĐ gia đình” được xếp vào nhóm LĐ yếu thế chiếm tỷ trọng khá cao với công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại hình bảo hiểm nào.

Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Đặng Hữu Phúc, mặc dù nhiều đối tượng LĐ, kể cả LĐ thời vụ, không giao kết hợp đồng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp về việc làm, thu nhập do dịch COVID-19, song hầu như chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp, ngoại trừ tạm thời đang có một số biện pháp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) là người sử dụng LĐ.

Ngày 3/4, thông tin từ UBND tỉnh, trước mắt sẽ có gói hỗ trợ cho người bán vé số nghỉ việc từ 1/4 với mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày cho khoảng 1.200 người bán vé số trong vòng 1 tháng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh đến nguyên tắc hỗ trợ là chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong khả năng nguồn lực

Do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, có DN phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, một số người LĐ phải ngừng việc.

Vừa qua, do khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường xuất đơn hàng, Công ty HBI Huế đã từng cho công nhân nghỉ 2 tuần. Đến nay, đơn vị đã hoạt động trở lại do chuyển từ sản xuất xuất khẩu sang may khẩu trang. Công ty Scavi Huế có khoảng 5.700 LĐ hiện đang áp dụng biện pháp cho nghỉ có thời hạn. Trong đó, kế hoạch trước mắt có 3.204 LĐ được cho tạm nghỉ từ ngày 30/3- 4/4 do nguồn đầu ra của công ty khó tiêu thụ.

Trước tình hình chung, để đảm bảo thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc và giải quyết chế độ cho người LĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật LĐ, Sở LĐTB&XH đã có văn bản hướng dẫn để các DN, HTX, tổ hợp tác, tổ chức... có thuê mướn LĐ theo hợp đồng LĐ trên địa bàn thực hiện.

Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có hướng dẫn liên ngành về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch COVID-19. Điều kiện để được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất khi DN không bố trí được việc làm cho người LĐ, trong đó số LĐ thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số LĐ có mặt trước khi DN gặp khó khăn do dịch COVID-19 trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản (trừ tài sản là đất).

Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được tính từ tháng DN có văn bản đề nghị cho đến hết tháng 6/2020. Sau thời điểm này, nếu dịch COVID-19 vẫn chưa giảm và DN tiếp tục đề nghị tạm dừng đóng, liên ngành sẽ có văn bản hướng dẫn bổ sung.

Hết thời hạn tạm dừng đóng nêu trên, người sử dụng LĐ và người LĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng mà không phải tính lãi chậm đóng theo quy định.

Theo ông Đặng Hữu Phúc, chính sách trên chỉ nhằm chia sẻ, hỗ trợ một phần khó khăn cho DN cùng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Về lâu dài, để đảm bảo bền vững cần cơ cấu lại nền sản xuất, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào và đa dạng hoá đầu ra.

Để đảm bảo an sinh xã hội, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành với những nội dung, gói hỗ trợ cụ thể bằng tiền mặt cho từng đối tượng. Trong đó, gồm: người có công cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo; LĐ bị tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ không lương tại các DN; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh; LĐ bị chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện trợ cấp thất nghiệp; LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ; gói vay lãi suất 0%...

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 4.869