Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Cân bằng tâm lý cho học sinh trong mùa dịch
False 30706Ngày cập nhật 04/12/2021

 Dịch COVID-19 bùng phát, học sinh phải ở nhà và học trực tuyến, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em sống ở “vùng đỏ” khiến các em có tâm lý bất an. Sự trợ giúp của giáo viên như những liều “vắc-xin tinh thần” để học sinh khỏe mạnh, yên tâm học tập.

Lo con trầm cảm

Hai vợ chồng chị  T.T.M là lao động tự do. Dịch giã triền miên kéo dài, cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Tằn tiện mãi cũng sắm cho con cái máy tính cũ để học online, nhưng học được một lúc máy lại nóng ran, rồi lại trục trặc, mãi mới khởi động lại được để vào lớp học. Cô con gái học lớp 8 của chị từ học sinh ngoan thì gần đây hay cáu gắt, thậm chí không tham gia vào nhóm lớp. Mãi đến khi nghe cô chủ nhiệm trao đổi những dấu hiệu bất thường của con, rất cần được phụ huynh quan tâm, hỗ trợ thì chị mới tá hỏa. Điều mà con chị bức bối gần đây là suốt ngày phải ôm máy vi tính, từ học chính khóa đến học thêm, tuy nhiên, nhiều môn học em không theo kịp bạn bè. Bố mẹ lại không có thu nhập ổn định, suốt ngày cãi vã nhau... chuyện cơm áo gạo tiền nên em đâm ra đổi tính.

Chung tâm trạng ấy, rất nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi con em mình suốt ngày học online, lại không có các hoạt động cân bằng đời sống. Chưa kể, bản thân các em, người thân bị nhiễm COVID-19 và phụ huynh phải mất việc dài ngày. Thế nên, nhiều em có những biểu hiện căng thẳng, buồn bã, thói quen ăn ngủ thất thường, giảm sự tập trung chú ý, nhiều em thậm chí còn dễ nổi nóng và dễ xúc động hơn… khi phải thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhất là, nhiều em không được chia sẻ trực tiếp những cảm xúc của bản thân với bạn bè đồng trang lứa.

Thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho rằng, có một bộ phận học sinh rất lo lắng cho việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học khi tình hình dịch bệnh căng thẳng. Nhiều kế hoạch về tương lai, lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề lao động bị thay đổi, tác động tiêu cực tới tâm lý của học sinh. Thế nên, nhà trường lưu ý giáo viên làm công tác tư tưởng với học sinh, nhất là các em lớp 12 để có sự chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe trong việc chọn nghành học phù hợp.

Học sinh tham gia vẽ tranh trong mùa dịch

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới bằng hình thức trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin, có 41% báo cáo từ địa phương cho thấy phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập. Cũng không ít người có tâm lý lo lắng khi cho con em nhập học trở lại tại các trường học được trưng tập làm cơ sở cách ly. Thêm vào đó, một số học sinh lo âu với môi trường bên ngoài không an toàn, cuộc sống bị đảo lộn, đặc biệt ghi nhận ở các học sinh sống tại các khu vực “vùng đỏ”, những học sinh bị COVID-19, thường xuyên phải đi làm xét nghiệm”.

Nhiều kịch bản

Chưa bao giờ có nhiều kịch bản dạy và học như bây giờ. Ngành giáo dục đã có giải pháp dạy, học phù hợp cho từng đối tượng học sinh yếu thế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực có nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Các em F0, F1 tại khu phong tỏa, khu cách ly; các em học sinh khuyết tật (bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ…) đang học tại các trường chuyên biệt.

Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tâm lý của các em trong thời gian không thể đến trường. “Nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em còn mất cha mất mẹ do dịch bệnh. Những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Thế nên, chúng tôi đã lưu tâm đến vấn đề này, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách, đặt ra vấn đề cần nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và  cán bộ đoàn trong trường học”, thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu Trưởng Trường THPT Cao Thắng chia sẻ.

Quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh và toàn xã hội lúc này là làm sao giúp các em cân bằng tâm lý, mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo: Trong giai đoạn giãn cách này, điều chúng ta cần làm là hướng đến việc tạo ra cảm giác an toàn và ổn định cho trẻ tại nhà. Các gia đình hãy đồng hành cùng con trong tất cả các hoạt động. Hãy quan tâm, lắng nghe, yêu thương và đồng cảm với trẻ nhiều hơn để các em có được cảm giác an tâm, an toàn. Riêng các cơ sở giáo dục nên xây dựng chương trình học tập online một cách linh hoạt, sáng tạo và tăng sự cuốn hút đối với các em thông qua việc kết hợp hài hòa giữa học mà chơi, chơi kèm học trong những buổi học trực tuyến.

Bảo đảm sức khỏe tâm lý cho học sinh trở thành vấn đề đáng báo động, đặc biệt khi việc học online ở nhiều tỉnh, thành phố có nguy cơ còn phải kéo dài. Nếu không đủ “kháng thể” để chống chọi lại những áp lực này, những học sinh đã có những khó khăn trong cuộc sống, nay do ảnh hưởng của dịch lại bị chồng thêm những suy nghĩ tiêu cực càng khiến cuộc sống trở nên bế tắc.

 
Nguyễn Thị Thanh Huệ - Phòng Giáo dục và Đào tạo
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.101