Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Sáng nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Ban Bí thư chủ trì chính thức khai mạc.
False 16152Ngày cập nhật 26/11/2021

Sáng nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Ban Bí thư chủ trì chính thức khai mạc. Thay mặt Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu tham luận quan trọng tại hội nghị với chủ đề: “Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”. Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam !

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước !

Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội nghị !

Kính thưa toàn thể Hội nghị !

Thay mặt Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, trước tiên, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với những đánh giá về triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Tại Hội nghị này, tôi xin trình bày tham luận với nội dung: “Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”.

Kính thưa Hội nghị !

Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Nơi đây đã chứng kiến nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử; là nơi hội tụ, giao thoa và lan toả những giá trị văn hoá phong phú đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hoá Việt Nam.

Huế tự hào có 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại; hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn; hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã trở thành tài sản vô giá của vùng đất Cố đô. Huế còn được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng như: sông Hương, núi Ngự, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vịnh đẹp Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã...

Huế còn tự hào là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, tâm hồn Hồ Chí Minh. Cũng nơi đây, nhiều nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, bác sĩ y khoa giỏi, văn nghệ sĩ tài hoa đã xuất thân, hoạt động tại Huế, như: nhà yêu nước Phan Bội Châu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Nguyễn Du, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu,...

Tất cả đã tạo nên cốt cách con người Huế, văn hóa Huế đặc trưng, phát triển trong sự hài hòa với thiên nhiên. Đó là văn hóa Huế trong văn học nghệ thuật; trong kiến trúc; trong ẩm thực, trong trang phục, trong phong cách ứng xử và trong từng nếp sống của người dân. Đặc biệt, người Huế coi trọng văn hóa; lễ giáo; hiếu học; tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên.

Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa; luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó, nỗ lực, quyết tâm để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống.

Tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng tiêu biểu. Di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, công sở ra khỏi khu vực Kinh thành; di dời dân cư sinh sống trên Thượng thành. Đồng thời, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế gắn với xây dựng môi trường văn hóa, thân thiện mến khách.

Đến nay, nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc đã được nghiên cứu, phục dựng thành công. Các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản và dịch vụ ngày càng đa dạng. Quần thể di tích Cố đô Huế được khai thác hiệu quả. Các kỳ Festival Huế, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế đã góp phần khẳng định vị trí về văn hóa - du lịch của tỉnh, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, với các lợi thế về các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh đang tập trung xây dựng Huế thành Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài; đồng thời, phát huy giá trị phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ di sản với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, nhất là phát động mạnh mẽ nhiều phong trào để làm cho Huế ngày càng Xanh - Sạch - Sáng; nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của con người xứ Huế.

Có thể nói, Thừa Thiên Huế đang mang trong mình hình hài của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam, của khu vực đang dần được khẳng định. Huế đang phấn đấu để trở thành một trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm miền Trung, phát triển theo hướng xanh và bền vững. Điểm đáng lưu ý là 85% khách du lịch đến Huế là du lịch văn hóa di sản. Điều đó cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Kính thưa Hội nghị !

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu quan trọng: xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đó cũng chính là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa để đưa Thừa Thiên Huế phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; nghiên cứu, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tồn phố cổ, làng cổ; bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế; các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với nghiên cứu phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Hỗ trợ và tạo điều kiện hoàn chỉnh hệ thống bảo tàng văn hóa, bảo tàng ngoài công lập, làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Cố đô Huế và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội.

Chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực trong công tác bảo tồn, mở rộng quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực di sản.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về văn hóa, di sản. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển. Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong tình hình mới.

Thứ tư, đưa việc giáo dục bản sắc văn hóa Huế vào trong đời sống xã hội. Triển khai có hiệu quả Đề án "Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển". Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn. Phát huy vai trò của giáo dục, của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người tử tế, khoan dung, chân thành, trọng đạo lý.

Thứ năm, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, du lịch. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa. Xây dựng cơ chế khuyến khích, nuôi dưỡng, thu hút, phát hiện nhân tài; nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

Kính thưa các đồng chí !

Có thể khẳng định, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản là một trong những yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi tin tưởng rằng, các nội dung tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách, thông điệp quan trọng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Kính chúc các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công !

Xin trân trọng cảm ơn !

 

Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.890.455
Truy cập hiện tại 1.884