Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho kiểm tra công tác thi hành pháp luật XLVPHC
False 18889Ngày cập nhật 19/03/2021

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 
 
 Ảnh minh họa - Internet

 

Căn cứ quy định về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Điều 6 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, dự thảo Thông tư quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý trên phạm vi cả nước; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực được phân công.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan sau: a- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và UBND xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi địa bàn quản lý; b- Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương được liệt kê.

Chủ tịch UBND cấp huyện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của UBND cấp xã thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình.

Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình.

Dự thảo cũng quy định, người có thẩm quyền kiểm tra ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra, quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, kết luận kiểm tra, thông báo kết luận kiểm tra, quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra.

Khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định về việc ban hành kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hằng năm, trong đó có quy định trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm tra. Để cụ thể hóa quy định này, dự thảo Thông tư quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ báo cáo người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, bao gồm Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, dự thảo Thông tư cũng quy định việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra phải được thông báo cho đối tượng được kiểm tra, cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan ngay sau khi người có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định trong một số trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền kiểm tra có thể gia hạn thời hạn kiểm tra. Để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Thông tư quy định cụ thể các trường hợp được gia hạn thời hạn kiểm tra như cuộc kiểm tra có số lượng hồ sơ xử lý vi phạm hành chính nhiều; hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh, làm rõ; đối tượng được kiểm tra không phối hợp thực hiện việc kiểm tra; địa điểm kiểm tra ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn...

Kết luận kiểm tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận kiểm tra có liên quan đến bí mật nhà nước, đến an ninh quốc gia và những nội dung liên quan đến Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Tao-co-so-phap-ly-ro-rang-cho-kiem-tra-cong-tac-thi-hanh-phap-luat-XLVPHC/426190.vgp

Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 7.261