Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Đặt tên cho con - Dễ mà khó!
False 16513Ngày cập nhật 03/11/2020

Lựa chọn tên và đặt tên cho con không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của những bậc làm cha, làm mẹ mà còn là việc thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý của công dân. Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế đã có những tác động tích cực lẫn tiêu cực vào cách suy nghĩ, lối sống của một bộ phận người Việt. Điều này đã dẫn đến việc các bậc làm cha làm mẹ đã lựa chọn những cái tên rất độc đáo, rất lạ thậm chí là “tây hóa” để con mình trở nên khác biệt so với phần còn lại. Có thể lấy ví dụ về những cái tên thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua như

Gia đình 3 chị em ở TP. Hồ Chí Minh: Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân; Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn; Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng.
- Chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (trú tại xóm 6, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) là người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên.
- Tháng 9/2018, cư dân mạng được phen “cười ra nước mắt” khi nghe chàng trai Mai Văn Cơn (23 tuổi, Bắc Giang) kể về “nguồn gốc” cái tên của chính mình. Cậu cho biết tên mình không quá đặc biệt cũng không lạ. Nhưng câu chuyện đằng sau nó lại khiến bao người không thể ngờ. Theo đó, bố Cơn đã chống lại cả dòng họ, bất chấp dư luận để đặt tên con trai ruột là Mai Văn Cơn vì ông hâm mộ ngôi sao Michael Jackson. Ông thích cái tên này đến mức chấp nhận để con mang họ “Mai” dù ông họ “Nguyễn”. Hồi nhỏ, Cơn nhiều lần cảm thấy lạc lõng và tủi thân khi mang cái tên quá lạ. Đặc biệt, nó còn không có mối liên hệ gì đến những người thân trong gia đình. Nhưng càng lớn, chàng trai càng yêu thích và muốn “khoe” bởi đó chính là một phần tạo nên sự khác biệt của con người anh!
Việc đặt tên cho con như trên trong suy nghĩ của nhiều người đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ cho rằng đó là một việc làm hết sức bình thường bởi đó là quyền của công dân là việc riêng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, về bản chất việc đặt tên cho trẻ em không hề đơn giản bởi tên riêng cũng có những sự tác động, ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của trẻ cả về nhân cách, suy nghĩ và cuộc sống sau này. Đồng thời, việc đặt tên cũng có những sự ràng buộc về mặt pháp lý. Cụ thể, ngày 28/5/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch (Thông tư số 04/2020/TT-BTP). Theo đó, nội dung khai sinh cho con được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
- Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.
Qua đó có thể thấy rằng, việc đặt tên cho trẻ chứa đựng những nguyên tắc pháp lý và văn hóa người Việt hết sức sâu sắc:  
Đặt tên cho con phải tôn trọng thuần phong, mỹ tục của dân tộc và tôn trọng quy định của pháp luật
Việc đặt tên cho con gồm quá nhiều ký tự hoặc dùng chữ số, ký hiệu hay mang ý nghĩa tiêu cực không chỉ liên quan đến văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt mà còn liên quan đến luật pháp của quốc gia. Các bậc làm cha, làm mẹ cần nhớ rằng không phải “đây là con tôi, nên tôi có quyền thích đặt tên cho con là gì thì tôi đặt”. Việc đặt tên cho con không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình mà còn liên quan đến luật pháp, trình tự quản lý đăng ký tên. Cha mẹ đặt tên cho con, đồng thời, phải thực hiện việc khai sinh cho con tại các cơ quan chức năng thì khi đó tên con mới có hiệu lực về mặt pháp luật. Do đó, quan hệ pháp luật phát sinh qua việc đặt tên cho con chính là mối quan hệ giữa con, bố mẹ và cơ quan quản lý nhà nước. Điều 26, 27, 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có); có quyền thay đổi họ, tên của mình theo quy định. Tuy nhiên, việc đặt tên chỉ bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
Quan điểm xuyên suốt về việc đặt tên cho con được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hộ tịch năm 2014; Thông tư số 04/2020/TT-BTP đó là ngăn chặn sự nhầm lẫn về danh tính cá nhân, do đó quyền này được xếp vào quyền nhân thân (quyền cá nhân, quyền nhận dạng cá nhân). Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường, chức năng xác định cụ thể của tên gọi đã thể hiện đầy đủ rằng nó có thể có giá trị thương mại rất lớn. Ví dụ: Thương hiệu CR7 của cầu thủ Cristiano Ronaldo; thương hiệu Beckham của cầu thủ David Beckham… Trong thực tế, các trường hợp xâm phạm quyền nhận dạng cá nhân này đã xảy ra, điển hình là sự việc siêu sao bóng rổ Mỹ Michael Jordan đã kiện một nhãn hiệu thể thao tên là Qiaodan Sports về hành vi xâm phạm nhãn hiệu quyền tên của anh trong vụ án gây sự chú ý của dư luận. Sau 08 năm, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã đưa ra phán quyết cuối cùng là cấm thương hiệu thể thao Qiaodan có trụ sở tại Phúc Kiến sử dụng bản dịch tiếng Trung của tên Michael Jordan là Qiao Dan[2].
Tên của con chính là mốc khởi đầu của phẩm giá con người
Nhìn vào quy định của pháp luật nước ta điều chỉnh về đặt tên cho con khó có thể thấy được mối quan hệ phức tạp phát sinh từ tên gọi nếu họ không thật sự để tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Tên của con cái trước hết xuất phát từ bố mẹ, ông bà và đại gia đình, đồng thời, tên gọi cũng là phương tiện để duy trì các mối quan hệ xã hội; bao hàm nhiều mối quan hệ pháp lý như: Bố, mẹ - con cái; quan hệ hôn nhân và gia đình; quốc tịch; dân tộc… Xuất phát từ những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong việc đặt tên cho con và quy định của pháp luật. Việc đặt tên cho con còn mang hàm ý sâu xa là mốc khởi đầu của phẩm giá con người bởi:
Thứ nhất, gia đình là nền tảng then chốt cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân và sợi dây vô hình liên kết những cá nhân này lại với nhau chính là họ vì đây là sự thể hiện không chỉ về mặt huyết thống của gia đình mà còn là truyền thống, nề nếp, gia phong của một dòng họ. Ở hầu hết các quốc gia hiện nay, với tư cách là một phần quan trọng của gia đình, họ cũng là một hệ thống pháp luật. Họ của con cái không phải do cha mẹ tự do lựa chọn mà do Hiến pháp và pháp luật quy định. Chính sợi dây vô hình đó sẽ định hình cho bố mẹ, con cái tiếp nối những giá trị tốt đẹp mà các đời ông cha đi trước gìn giữ lưu truyền cho các thế hệ sau.
Thứ hai, trẻ sơ sinh không chỉ cần sự che chở, chăm sóc đến từ bố mẹ, gia đình mà còn cần sự bảo vệ hợp pháp về phẩm giá cá nhân của mình. Tên riêng của mỗi người là một phần của tính cách, là phương tiện đại diện cho người đó tham gia vào các quan hệ xã hội do đó điểm then chốt ở đây không phải nằm ở cái tên đó hay ra sao, độc đáo gây sự chú ý như thế nào mà nằm ở sự ổn định, Nghĩa là tên đó phải được theo họ cha hoặc mẹ đăng ký vào giấy khai sinh ở các cơ quan chức năng và trở thành thành viên hợp pháp của gia đình. Một đứa trẻ khi sinh ra cần có một xuất phát điểm ổn định và vững chắc để có thể phát triển trở thành một con người có đức - có tài. Đây là trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ và xuất phát điểm đầu tiền chính là đặt tên cho con.
Thay đổi tên vừa là quyền tự do cá nhân, vừa phải tuân thủ quy định của pháp luật
Trong cuộc sống của xã hội hiện đại, không ít trường hợp người dân có nhu cầu đổi tên của mình với nhiều lý do khác nhau như: Sở thích cá nhân; thuận tiện hơn trong các giao dịch điện tử; phục vụ công việc học tập… Hoạt động này được pháp luật bảo vệ. Bởi suy cho cùng, tên của mỗi người không chỉ thuộc về bố mẹ, ông bà và gia đình mà còn thuộc về chính bản thân mỗi người.
Với sự trưởng thành của mỗi cá nhân, một người sẽ tiếp tục có những mối quan hệ khác ngoài xã hội. Khi đó, tên của họ không chỉ đơn thuần là tên gọi mà có thể còn là một biểu tượng cá nhân, một thương hiệu riêng có thể được nhiều người biết đến. Tại thời điểm này, quy định của pháp luật thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người trong việc tự nguyện thay đổi tên khai sinh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết rằng, việc đổi tên cũng phải quy định những quy định của pháp luật như không đặt tên quá dài; sử dụng các ký hiệu số, vi phạm thuần phong, mỹ tục…
Đặt tên cho con là một việc làm hết sức quan trọng, tên gọi đó chính là điểm khởi đầu cho phẩm giá cá nhân của trẻ đồng thời nó cũng là yếu tố giúp người lớn định hình lại nhân cách của mình cho phù hợp. Đây cũng chính là điểm khởi đầu để một công dân mới phát sinh quan hệ pháp luật với đất nước. Các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về việc đăng ký tên, giới hạn phù hợp số lần được đổi tên nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc bảo vệ quyền đặt tên và nhân phẩm cá nhân./.

Phòng Tư pháp
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 3.626