Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Chuẩn bị chu đáo cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam
False 8970Ngày cập nhật 01/08/2020
(Chinhphu.vn) – Chiều 28/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đã tổ chức phiên họp về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 là sự kiện chính trị quan trọng. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Chủ trì cuộc họp có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương và các cơ quan có liên quan.

Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị  Đại hội đại biểu các dân tộc thiếu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Đến nay, Ban Tổ chức đã hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị Đại hội với chủ đề: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát triển nội lực phát triển dưới đất nước”.

Báo cáo chính trị được chia làm hai phần: Kết quả thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030.

Thời gian tổ chức Đại hội dự kiến diễn ra tháng 11/2020. Đại hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, với nhiều chương trình, hoạt động bên lề như: Dâng hương tưởng niệm tại Đền Hùng; Viếng các anh hùng liệt sỹ, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu tiêu biểu… Dự kiến sẽ có 1.600 đại biểu chính thức tham dự Đại hội, với đầy đủ thành phần 54 dân tộc. 

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban của Đại hội cơ bản thống nhất với chương trình, nội dung Đại hội và cho rằng công tác chuẩn bị đã được triển khai chu đáo. Các đại biểu đã báo cáo thêm về tiến độ triển khai các nhiệm vụ trong tổ chức Đại hội, từ công tác thi đua khen thưởng; khánh tiết, tuyên truyền; hậu cần, lễ tân… Một số đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong, sau Đại hội một cách sâu rộng, hiệu quả; đẩy mạnh quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao Ban chỉ đạo tổ chức Đại hội lần này có lực lượng hùng hậu với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành, xác định và phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, chủ đề Đại hội được làm rõ…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đây là ngày hội của 54 dân tộc anh em, cũng là đợt sinh hoạt chính trị đối với các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Công tác tuyên truyền phải đậm nét, dài hơi, tăng cường nêu gương những điển hình tiên tiến, đẩy mạnh thông tin đối ngoại, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý công tác đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho các đại biểu trong suốt quá trình diễn ra Đại hội. 

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 là sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách dân tộc.

Đây là ngày hội đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc Việt Nam, cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong và ngoài nước, mà tiêu biểu là các đại biểu góp mặt tại Đại hội lần này.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Phải nêu cao vai trò trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo, đảm bảo Đại hội thành công rực rỡ, để lại những dấu ấn tốt đẹp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định sự quan tâm, chăm lo ngày càng lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách này ngày càng phát huy được hiệu quả to lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Niềm tin vào Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và phát huy. Đây là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế và giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh đến Chương trình đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 với 100% số đại biểu tán thành. Chương trình này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thống nhất với nội dung, chủ đề của Đại hội và cho rằng dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu khá đầy đủ, chi tiết. Khẳng định Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các Tiểu ban của Đại hội phải nêu cao vai trò trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo, đảm bảo Đại hội thành công rực rỡ, để lại những dấu ấn tốt đẹp. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng lưu ý công tác tuyên truyền cần phong phú, đa dạng; chương trình nghệ thuật phải đậm đà bản sắc dân tộc; các phương án an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, y tế, cứu hộ, cứu nạn phải được chuẩn bị chu đáo, kịp thời… 

Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 2.967