Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

THỪA THIÊN HUẾ: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG DÂN VỚI CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN,
False 14617Ngày cập nhật 30/08/2021
CCHC

THỪA THIÊN HUẾ: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG DÂN VỚI CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN

Nền hành chính hiện đại là nền hành chính có mối quan hệ giữa công dân và cơ quan chính quyền được xây dựng trên nền tảng thống nhất, dân chủ, bình đẳng, tương ứng về quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong đó, các cơ quan chính quyền lấy chất lượng phục vụ người dân làm thước đo chất lượng hoạt động, lấy yếu tố chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả làm mục tiêu phát triển. Xác định được điều này, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân với cơ quan chính quyền trên địa bàn tỉnh, hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chất lượng mối quan hệ giữa công dân và cơ quan chính quyền được cải thiện đáng kể. Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm các địa phương toàn quốc làm tốt công tác này. Về cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) được cắt giảm đáng kể.

Việc thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được chú trọng và được xác định là nội dung thường xuyên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã được giải quyết đúng quy trình, quy định pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức được đảm bảo. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được nâng cao, qua đó, nhiều bức xúc trong nhân dân được giải tỏa, nhiều vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm, khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên trung ương đã giảm.

 

Về hiện đại hóa nền hành chính, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC với người dân, doanh nghiệp và hiện đại hóa nền hành chính. Đến nay, Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và 09/09  huyện đã khai trương và đi vào hoạt động. Tại các Trung tâm Hành chính công, TTHC được số hóa và được cắt giảm theo hướng đơn giản, được lưu giữ sử dụng chung và được kết nối, giải quyết trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan chính quyền là nhiệm vụ thường xuyên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm 2018, tỉnh sẽ triển khai hoàn thiện theo mô hình Kiến trúc Chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng tập trung tại Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử đủ năng lực để vận hành hệ thống ứng dụng trong cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Nâng cấp hệ thống mạng diện rộng trên cơ sở kết nối hạ tầng mạng diện rộng tỉnh, internet tập trung với mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. Chuẩn hóa, tích hợp đồng nhất các ứng dụng dùng chung trong cơ quan hành chính nhà nước. Hoàn thiện nền tảng chia sẻ tích hợp sẵn sàng triển khai đồng bộ các ứng dụng trong tỉnh và kết nối liên thông với các hệ thống thông tin của Trung ương. Đối với mục tiêu ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng Thành phố thông minh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và triển khai Đề án dịch vụ Đô thị thông minh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng 2025.

Xây dựng chính quyền phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, những kết quả đạt được trong nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân với cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hai năm gần đây, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh mặc dù vẫn được duy trì ở mức cao trên toàn quốc nhưng vị trí xếp hạng năm sau thấp hơn năm trước. Một trong những nguyên nhân đó là kết quả đánh giá tác động qua điều tra xã hội học ở mức thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh mặc dù điểm số năm sau cao hơn năm trước nhưng vị trí xếp hạng thấp trong toàn quốc nằm ở mức trung bình. Qua đó cho thấy, vẫn còn nhiều nội dung thuộc mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế chưa được người dân, tổ chức đánh giá cao. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân...

Với những tồn tại hạn chế nêu trên, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2187/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Cải thiện và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân - cơ quan chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả”. Đề án đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân với cơ quan chính quyền tỉnh như: Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; Nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính; Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; Tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa hành chính; Nâng cao trách nhiệm giải trình; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; Tăng cường sự tham gia của người dân, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Những việc đã làm cũng như những giải pháp đã đặt ra cho thấy sự quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân với cơ quan chính quyền. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân với tinh thần cầu thị, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc, đồng thời khẩn trương cụ thể hóa các nội dung của Đề án để xây dựng một chính quyền phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả; người dân và chính quyền luôn có sự đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

                                                                                                                                                 Theo: thuathienhue.gov.vn

Phan Phú Lộc - Nam Đông
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 5.582