Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Công nghệ số vào trường học: Bớt việc cho giáo viên
False 19266Ngày cập nhật 30/05/2021

Công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành giáo dục để triển khai sổ liên lạc điện tử, giáo án, sổ điểm điện tử... giúp giáo viên tiết kiệm thời gian để tập trung cho chuyên môn.

Học sinh có thể tự tra cứu điểm thi của mình

Từ tháng 11/2020, theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học, một trong những thay đổi quan trọng là quy định về việc giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Quy định mới cũng chính thức cho phép sử dụng hồ sơ điện tử, giúp cởi bỏ nhiều đầu việc giấy tờ, áp lực sổ sách cho thầy cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, giáo viên Trường tiểu học số 1 Phú Bài, TX. Hương Thủy chia sẻ, từ khi sử dụng các phần mềm đã giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách. Mỗi giáo viên được cấp một tài khoản để đăng nhập vào hệ thống. Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối mạng internet, giáo viên ngồi ở đâu cũng có thể vào điểm cho học trò. Đặc biệt là không phải ngồi cộng, trừ, nhân, chia điểm của từng học trò, rồi tính trung bình môn rất mất công mà tính chính xác lại không cao.

Từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã ứng dụng công nghệ trong sử dụng sổ liên lạc điện tử, giáo án điện tử... Từ điểm số, nhận xét, đánh giá học sinh được thực hiện thông qua Hue-S. Việc liên lạc với phụ huynh cũng được các trường kết nối thường xuyên qua hệ thống tin nhắn online, phần mềm để phụ huynh truy cập vào xem tình hình học tập của con em mình.

Nếu như trước kia, việc tính điểm cho học sinh được thực hiện thủ công rồi ghi chép vào sổ, khó tránh khỏi nhầm lẫn thì nay thực hiện hoàn toàn trên máy, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian chép ra các loại sổ sách. Ban giám hiệu không còn phải lật từng trang sổ điểm lớn để kiểm tra giáo viên nào vào điểm, giáo viên nào chưa vào điểm mà chỉ cần ngồi kích chuột là kiểm tra được toàn trường. Các giáo viên cũng không phải kiểm tra chéo cho nhau.

Theo nhiều cán bộ quản lý, việc sử dụng sổ điểm điện tử thay cho học bạ giấy cũng giúp công khai minh bạch các thông tin trong nội bộ của đơn vị, trong phạm vi quản lý ngành, giúp đẩy lùi các tiêu cực. Ví dụ như học bạ điện tử, sẽ “triệt tiêu” tiêu cực về điểm số (nếu có), bởi khi giáo viên nhập dữ liệu xong và lưu trữ sẽ không được phân quyền sửa vào phần điểm. Sổ điểm hàng ngày của giáo viên trong giờ lên lớp ghi bằng tay, ví dụ điểm số 15 phút, 1 tiết sẽ được nhà trường thu lại.

Theo thầy Đoàn Quang Phúc, giáo viên Trường THPT Hương Thủy, hiệu quả của sổ điểm điện tử rất ưu việt, thể hiện ngay từ quá trình bắt đầu nhập điểm đến khi xuất sổ với độ chính xác 100%. Khi nhập hay sửa, phần mềm đều lưu lại chi tiết. Dưới sự giám sát của Sở GD-ĐT và tất cả giáo viên, phụ huynh, hệ thống điểm trực tuyến hạn chế những tiêu cực trong việc xin, sửa điểm. Với phạm vi rộng, sổ điểm cũng góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức học sinh để có kết quả tốt hơn.

Tiện ích hơn khi nhiều giáo viên cho rằng, trong học bạ giấy, phần trống để cho giáo viên ghi rất nhỏ, nên chỉ ghi được vài dòng, không thể hiện hết những gì cần nhận xét. Đó là chưa kể việc ghi vào học bạ, nếu sai, giáo viên phải bỏ phần sai, ghi mực đỏ vào phần sửa lại và mở ngoặc “tôi đã sửa”, nó vô cùng “nhiêu khê”. Khi số hóa toàn bộ sổ sách, hồ sơ cho giáo viên thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã có bước chuyển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0. Hơn 590 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông với hơn 273.000  học sinh, 22.000 cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục đã được số hóa bằng mã định danh.

Việc số hóa sổ sách cho giáo viên đã và đang từng bước được thực hiện tại nhiều đơn vị, nhưng vẫn gặp phải một số vấn đề cần được tháo gỡ. Theo các hiệu trưởng, việc số hóa sổ sách, hồ sơ có những ưu điểm ai cũng thấy rõ, nhưng khi triển khai, một vài giáo viên vẫn có tình trạng làm theo kiểu đối phó, các nhận xét về học sinh nhiều lúc giống nhau; chậm cập nhật nhận xét đánh giá kết quả học sinh. Một số giáo viên, nhà trường “ngại” cập nhật lên hệ thống, khiến phụ huynh phàn nàn việc thông tin bị cũ, chậm.

Nhiều phụ huynh cho rằng, số hóa phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và phụ huynh. Thay vì vẫn duy trì cách liên lạc bằng các dịch vụ có thu phí, thì hoàn toàn có thể thông tin qua website, email, tin nhắn OTT…

Nguyễn Thị Thanh Huệ
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 265