ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
1. Đặc điểm, thông tin khu vực đấu giá quyền khai thác
1.1. Tổng số gồm 07 khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp, trong đó:
a) 06 mỏ đất làm vật liệu san lấp chưa thăm dò khoáng sản nhưng có tài nguyên dự báo;
b) 01 mỏ đất làm vật liệu san lấp đã có kết quả thăm dò khoáng sản.
1.2. Thông tin về các khu vực đấu giá như vị trí, ranh giới, diện tích, tài nguyên dự báo được thể hiện ở Phụ lục kèm theo.
1.3. Hiện trạng đất mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
a) Đối với 06 khu vực mỏ chưa thăm dò khoáng sản:
Các khu vực mỏ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
b) Đối với 01 khu vực mỏ đã có kết quả thăm dò khoáng sản:
Mỏ đất làm VLSL tại khu vực đồi Trốc Voi 1, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, có diện tích 14,7 ha.
c) Sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật.
1.4. Phương thức tham khảo thông tin, tài liệu có liên quan.
Thông tin địa chất khoáng sản hiện nay được lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường (các tổ chức có nguyện vọng và cần tham khảo thông tin, tài liệu có liên quan đến các khu vực mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, xin liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được giải quyết).
2. Nguyên tắc đấu giá
2.1.Tuân thủ theo quy định của pháp luật.
2.2. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan.
2.3. Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 02 tổ chức đủ điều kiện (có hồ sơ hợp lệ và nộp tiền đặt trước) tham gia đấu giá.
2.4. Chỉ tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
2.5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.
2.6. Cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành.
2.7. Trường hơp có ít hơn 02 tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá thì không tổ chức đấu giá. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh.
3. Giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, vốn chủ sở hữu
3.1. Giá khởi điểm
- Giá khởi điểm của các loại khoáng sản theo Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 25/5/2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Mức giá khởi điểm trên chưa bao gồm chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò, đánh giá trữ lượng; chi phí lập hồ sơ khai thác mỏ sau khi trúng đấu giá; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác có liên quan.
- Đối với mỏ đất làm vật liệu san lấp đã có kết quả thăm dò khoáng sản, việc hoàn trả chi phí đã đầu tư thăm dò được thực hiện theo nguyên tắc tự thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức đã đầu tư với tổ chức sử dụng thông tin và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
3.2. Bước giá
- Bước giá của các loại khoáng sản đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản Đợt 1 năm 2020 theo Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 25/5/2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3.3. Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước
a) Tiền đặt trước
- Tiền đặt trước là khoản tiền mà tổ chức tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải nộp trước khi tham gia cuộc đấu giá, được tính bằng đồng Việt Nam.
- Tiền đặt trước theo Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 25/5/2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ chức tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.
- Tiền đặt trước nộp trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Tiền đặt trước của người trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được trừ vào số tiền trúng đấu giá.
- Tổ chức đấu giá chuyên nghiệp có trách nhiệm chuyển số tiền đặt cọc của tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nộp vào ngân sách nhà nước.
- Tổ chức tham gia đấu giá được nhận lại hoặc không nhận lại tiền đặt trước theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản và Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP và điểm b khoản 3.3 này.
b) Xử lý tiền đặt trước
- Tổ chức tham gia đấu giá mà trúng đấu giá thì số tiền này được trừ vào số tiền trúng đấu giá phải nộp.
- Tiền đặt trước được hoàn trả cho tổ chức tham gia đấu giá nhưng không trúng đấu giá trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, trừ trường hợp không được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định
- Các trường hợp không được hoàn trả tiền đặt trước bao gồm các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản và Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.
- Tiền đặt trước không được hoàn trả trong các trường hợp quy định khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản và Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản.
4. Vốn chủ sở hữu của các dự án đầu tư khai thác khoáng sản
Các tổ chức tham gia đấu giá phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tương đương giá khởi điểm đã được xác định tại Quyết định phê duyệt giá khởi điểm được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 25/5/2022.
Văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu được quy định tại Điều 9 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
5. Mức thu tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá: Theo quy định hiện hành.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm: Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Đấu giá tài sản và Điều 9 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.