Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

HUYỆN NAM ĐÔNG - THẾ VÀ LỰC MỚI TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
False 15659Ngày cập nhật 27/08/2022

      Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế cách thành phố Huế khoảng 50 km về phía Tây Nam, được tái lập vào tháng 10 năm 1990 với tổng diện tự nhiên 647,78 km2, chiếm 12,87% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn huyện có 09 xã và 01 thị trấn; trong đó có 06 xã là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, chủ yếu là dân tộc Cơ tu và một số ít các dân tộc khác như Tà ôi, Pa cô, Pa hy, Vân kiều... Huyện Nam Đông có vị trí tiếp giáp với quốc lộ 1A và nằm trên tuyến đường cao tốc, thuận lợi trong giao lưu kinh tế với các thành phố lớn ở vùng Duyên hải miền Trung. Nam Đông là huyện có những tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch như: các thác nước tự nhiên đẹp như thác Phướn, thác Mơ, thác Trượt, thác Kazang, lễ hội truyền thống và di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc... Trên địa bàn huyện có một số loại khoáng sản phi kim loại gồm: đá vôi, đá granit, đá pirit... với trữ lượng tương đối lớn; trữ lượng đá vôi vào khoảng 500 triệu m3.

          Thực hiện một số mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp huyện Nam Đông trong các tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong cuối năm 2022.

          Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ổn định, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các chương trình trọng điểm, chương trình công tác của UBND huyện được triển khai cơ bản đúng tiến độ.

         * Chỉ tiêu kinh tế: Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định 2010) đạt 38,8% kế hoạch, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tổng giá trị đầu tư toàn xã hội là 227 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch, tăng 14,4% so với cùng kỳ.Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 28,12 tỷ đồng, đạt 92,9 % kế hoạch năm, tăng 35,8% so với cùng kỳ.

       * Chỉ tiêu xã hội: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 9,0% (Kế hoạch là 9,0%). Tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 90,19% (Kế hoạch là 94%). Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH là: 20,72% (Kế hoạch là 24-26%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 54,97% (Kế hoạch là 48%). Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 13 người (Kế hoạch là 50 người). Kiểm tra và công nhận lại 1 trường đạt chuẩn quốc gia (Kế hoạch là 5 trường).

      * Chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý là 97% (Kế hoạch là 97%). Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch là 86,2% (Kế hoạch là 89,7%). Tỷ lệ độ che phủ rừng là 83,4% (Kế hoạch là 83,4%).

         * Các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế chủ yếu các tháng cuối năm

         - Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao tính tự lực tự cường, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại; đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất giỏi trong nông dân.

        - Tăng cường công tác khuyến nông - lâm - ngư; nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, vai trò của cán bộ khuyến nông tăng cường về xã để vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; tập trung hướng dẫn có trọng tâm trọng điểm, chú trong xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả ở từng thôn, để nông dân trong thôn tham quan học tập. Vận động nhân dân không chặt phá cây cao su để chuyển sang trồng cây keo. Rà soát số vườn cây ăn quả chủ lực đã trồng của dân chất lượng thấp để vận động và hướng dẫn người dân chăm sóc bón phân đúng quy trình nhằm nâng chất lượng vườn cây. Vận động người dân đăng ký, sản xuất cây ăn quả đặc sản theo hướng Vietgap.

         - Kiểm soát chặt chẽ nhãn hiệu cam Nam Đông và cấp đúng những vườn cam đạt tiêu chuẩn chất lượng, không để nhãn hiệu trôi nổi đến các hộ không dúng tiêu chuẩn chất lượng; vận động người dân thu hoạch đúng thời vụ.

         - Vận động nhân dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện Đề án cam, trồng chuối đặc sản, dứa Cayen theo kế hoạch; nghiên cứu xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

        - Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, Đề án chăn nuôi lợn tập trung theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học giai đoạn 2020-2025.

        - Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Phối hợp hoàn thiện thông tin dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025; kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hương Phú. Tập trung phát triển một số nhóm sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu; đầu tư sản xuất chế biến sâu một số sản phẩm nông, lâm sản, thực phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương; nghiên cứu phát triển một số sản phẩm mới có giá trị; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP.

       - Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công; tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý xây dựng theo quy hoạch.

        - Tiếp tục chỉ đạo để đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản.

       - Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành thu chi ngân sách. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khoản chi; cấp phát ngân sách kịp thời, đảm bảo theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra gắn với việc hướng dẫn nghiệp vụ, xuất toán các khoản chi sai chế độ chính sách.

       - Tăng cường công tác quảng bá du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác, đầu tư du lịch trên địa bàn; khảo sát kết nối các mô hình nông nghiệp vào các chương trình du lịch. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm hàng lưu niệm, các quầy bán hàng lưu niệm.

          Triển khai 03 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Nam Đông.

           Đột phá thứ nhất: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu gia trại, trang trại tập trung (trọng tâm là xã Hương Xuân, xã Hương Phú và những vùng có điều kiện). Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện ngành nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân đã được nâng lên, tập quán canh tác cũ đã dần được xóa bỏ; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân; cụ thể như sau:

          - Về trồng trọt: Đã khoanh vùng, định hướng vùng sản xuất tập trung để phát triển theo hướng hàng hóa; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; các vùng sản xuất tập trung đều có đường sản xuất để người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa; nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cáo đã được người dân phát triển như: Cam Nam Đông, Bưởi da xanh, Chuối, Dứa cayen; đã hình thành nhiều trang trại cây ăn quả quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao; các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được nhân rộng; các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được áp dụng ngày càng nhiều như: Hệ thống tưới tiến tiến, tiết kiệm, tưới phun sương; trồng rau thủy canh; nhà lưới, nhà màn, …

        - Về chăn nuôi: Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, nông hộ quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học; hướng đến xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

       - Về lâm nghiệp: Tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, tạo vúng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện; phát triển mạnh các cây lâm sản ngoài gỗ (như mây, lồ ô, lá nón, …), cây dược liệu dưới tán rừng (như: Thiên niên kiện, ba kích, gừng gió, …) để tạo vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện.

           Đột phá thứ 2: Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch Homestay:

            - Hàng năm, UBND huyện đã phối hợp với Sở Du lịch tỉnh và các trường, cơ sở đào tạo về du lịch tổ chức các lớp tập huấn về du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch Homestay cho cán bộ xã, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và người dân tại các điểm, địa phương đang có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ nguồn nhân lực tại chỗ trong phát triển du lịch. Hiện nay, bức tranh du lịch Nam Đông ngày càng có thêm nhiều đột phá mới, sự phát triển da dạng của các loại hình du lịch đã chạm tới nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, việc định hình các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch Homestay đã tạo sức hút đối với du khách.

           - Trong thời gian qua, Hội du lịch cộng đồng Việt Nam cùng dự án Helvetas đã khảo sát thực tế về tính khả thi của việc triển khai xây dựng mô hình cộng đồng tại Thôn Dỗi, xã Thượng Lộ và dựa trên các tiêu chí chuẩn về xây dựng du lịch cộng đồng để đề xuất tiếp tục hỗ trợ điểm xây dựng mô hình cộng đồng đạt tiêu chuẩn, có điểm nhấn, thu hút được du khách đến đông hơn, mang lại nguồn lợi lớn hơn cho cộng đồng địa phương.

         - UBND huyện Nam Đông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch và các chương trình kích cầu du lịch; chủ động liên kết, phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức và đón các đoàn Famtrip từ các tỉnh, thành phố, các công ty doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch Homestay trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện cũng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghê 4.0 trong quảng bá và truyền thông về du lịch.

             Đột phá thứ ba: Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nêu gương của CBCCVC

            Công tác cải cách hành chính luôn được huyện Nam Đông xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, luôn nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, sự chỉ đạo quyết liệt UBND huyện trong triển khai thực hiện công tác CCHC.

         - Huyện ủy đã ban hành Kết luận số 115-KL/HU ngày 09/4/2019 về tiếp tục thực hiện Chương trình số 17-CTr/HU của Huyện ủy (Khóa XIII) về  “đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước” nhằm  chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác cải cách hành chính.

         -  Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.

           - Huyện đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng siết chặc kỷ cương, kỷ luật hành chính, tang cường vai trò nêu gương của cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

          - Thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số ICT của huyện; 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan phải được thực hiện trên môi trường mạng, nâng cấp các trang Wed của huyện, các cơ quan, địa phương.

          - Thực hiện tốt việc niêm yết, công khai TTHC đảm bảo đúng, đủ, thuận lợi; tiến hành rà soát các thủ tục hành chính kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung; xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 đảm bảo đúng quy định (cấp huyện 393 TTHC; cấp xã 130 TTHC).

           - Triển khai thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và các quy định của tỉnh về sử dụng văn bản điện tử. Các văn bản ban hành của các đơn vị đều được cập nhật, xử lý trên Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đạt 100% văn bản được số hóa (trừ các văn bản mật) và ký số bằng chữ ký số của Ban cơ yếu Chính phủ đúng quy định. Triển khai tiếp nhận phản ánh của công dân gửi qua phần mềm Hue-S luôn kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Đã triển khai mạng diện rộng CPNet liên thông 4 cấp từ xã đến Trung ương cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các phần mềm dùng chung đã được tích hợp vào SSO và đồng bộ vào trong trang tác nghiệp điều hành nên việc sử dụng có hiệu quả.

            - Đăng tải tin tức, thông tin tuyên truyền, cải cách hành chính, lịch công tác lãnh đạo, văn bản chuyên ngành,…được triển khai đồng bộ, đã có sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức các cấp. Thường xuyên xuyên rà soát các TTHC đạt mức độ 3 và 4 đăng ký cài đặt lên cổng dịch vụ công để thực hiện; công khai kết quả mức độ hài lòng trên trang thông tin điện tử huyện; xuất thư xin lỗi khi xử lý không đúng theo TTHC quy định.

           Từ những kết quả đã đạt được đó, trong những năm gần đây UBND huyện Nam Đông luôn được nằm trong tốp 3/9 huyện, thị xã, thành phố và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính.

              Tiềm năng, sức phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trong bức tranh kinh tế của huyện hiện tại và những năm tới?

             * Thuận lợi:

              - Về quy hoạch: Huyện đã quy hoạch chỉ tiết 02 cụm công nghiệp, với diện tích 30 ha; hiện nay, đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, nâng tổng số Cụm công nghiệp đến năm 2030 lên 03 cụm, với tổng diện tích 160ha (gồm cụm công nghiệp Hương Hòa, 10 ha, cụm công nghiệp Hương Phú 1: 75ha, Cụm công nghiẹp Hương Phú 2: 75ha).

            -  Về giao thông: Đường tỉnh lộ 14B, kết nối đường La Sơn -Túy Loan rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên, nhiên liệu phục vụ phát triển CN, TTCN. Bên cạnh, các cụm công nghiệp nêu trên kết nối, thông với tuyến đường 14D và toàn bộ các tuyến xã, thị trấn trong huyện, đồng thời kết nối với Tỉnh lộ 14B đi khu Công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế và đường La Sơn-Túy Loan đi Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Thành phố Đà Nẵng rất thuận lợi cho giao thông đối ngoại.

             - Về nguyên liệu: Lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, với trữ lượng đá vôi, đá gabro lớn, thuận lợi để kêu gọi Nhà máy sản xuất xi măng và gạch ốp lát và đá vật liệu xây dựng. Với lợi thế có 600 ha rừng trồng gỗ lớn, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu.  Bên cạnh, diện tích cây dược liệu trong rừng tự nhiên và nhân dân đâu tư trồng là lợi thế để kêu gọi đầu tư Nhà máy chế biến các loại sản phẩm trà túi lọc, cao thực vật, tinh dầu từ cây dược liệu.

          Nhằm tiếp tục đưa huyện bức phá mạnh mẽ, huyện đang đề xuất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, huyện đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

          Thời gian tới, những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước và thành tựu của khoa học - công nghệ sẽ tiếp tục tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, tác động ngày càng mạnh mẽ đến sự phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy hiệu quả chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chủ trương về phát triển du lịch, cơ cấu lại kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội thu hút lao động, tạo việc làm và tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh.

          Đối với huyện Nam Đông; kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các nhiệm kỳ qua là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời kỳ mới. Đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện phải đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực cao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI đề ra và xây dựng huyện Nam Đông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới.

           - Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tái cơ cấu, hình thành vùng sản xuất tập trung; kết hợp xây dựng nông thôn mới với từng bước đô thị hóa nông thôn. Tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, phục vụ cho thị trường trong, ngoài tỉnh và khách du lịch; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp. Tập trung xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản đặc sản Nam Đông. Tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại. Quy hoạch, chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp có điều kiện sản xuất nông nghiệp sang trồng cam và các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Phát huy tốt nội lực, huy động tốt nguồn lực trong dân, tranh thủ vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Thực hiện chính sách khuyến nông, hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

           - Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Chú trọng chế biến nông lâm sản, duy trì và nâng chất lượng chế biến mủ cao su; đẩy mạnh chế biến gỗ gắn liền với trồng rừng gỗ lớn làm nguyên liệu; phát triển nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, chế biến thực phẩm từ nguồn nguyên liệu của địa phương. Tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để mở rộng ngành may công nghiệp, mở rộng liên kết may gia công theo hướng làng nghề. Thúc đẩy các dự án khai thác, sản xuất đá ốp lát, vật liệu xây dựng. Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các Cụm công nghiệp Hương Hòa, Hương Phú để kêu gọi các doanh nghiệp tiềm năng đầu tư. Thực hiện tốt các chính sách khuyến công, hỗ trợ hạ tầng, chính sách thuê đất.

             - Phát triển nhanh và đa dạng các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại. Đẩy mạnh công tác quy hoạch nhất là quy hoạch chi tiết các điểm du lịch suối thác. Rà soát lại các nhiệm vụ tại Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 - 2020, phương hướng đến năm 2030 để bám sát triển khai thực hiện và bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Kêu gọi đầu tư các điểm du lịch tiềm năng, xây dựng cơ chế, đầu tư hạ tầng, có chính sách ưu đãi cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch xanh do nông dân làm chủ gắn với vườn nông sản; nghiên cứu phát triển du lịch ở các lòng hồ thuỷ điện và lòng hồ Tả Trạch. Gắn kết du lịch với giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

              - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất sản phẩm sạch, quản lý an toàn dịch bệnh; ứng dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản; xây dựng nhãn hiệu, công nghệ truy xuất nguồn gốc, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với thực tiễn của địa phương.

            -  Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại lớn mạnh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, công bằng, an toàn, thân thiện và tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích mọi người dân thành lập doanh nghiệp mới; quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh. Củng cố tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Xây dựng nhiều mô hình HTX nông nghiệp, thu hút số đông hộ nông dân và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia HTX nông nghiệp.

          - Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng xây dựng mới các tuyến ở thị trấn Khe Tre, đầu tư đường đến các khu du lịch theo quy hoạch, một số tuyến đường liên xã; mở rộng các tuyến đường khu vực trung tâm xã; chỉnh trang tuyến đường 14B (đoạn từ khu du lịch sinh thái Thác mơ đến UBND xã Hương Phú); tiếp tục đầu tư đường đến vùng sản xuất tập trung; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Xây dựng hạ tầng khu dân cư mới và công viên cây xanh ven sông Tả Trạch. Tiếp tục nâng cấp lưới điện đảm bảo an toàn, đủ nguồn điện phục vụ nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đầu tư hạ tầng đồng bộ ở các cụm công nghiệp, khu thương mại. Nâng cấp mạng lưới cấp nước trên địa bàn huyện; xây dựng hệ thống thoát nước thị trấn Khe Tre. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng các xã đến năm 2030; tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các khu dân cư mới, các điểm dân cư nông thôn để bố trí dân cư hợp lý; quy hoạch phải gắn với phát triển mạnh thương mại, du lịch, dịch vụ. Tăng cường quản lý đầu tư, quản lý đô thị theo quy hoạch, đảm bảo quá trình phát triển phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, sắp xếp các cơ sở sản xuất phân tán vào khu tập trung, gắn với xử lý ô nhiễm môi trường.

 

 

Văn phòng HĐND và UBND huyện
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 3.690