Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012
False 13155Ngày cập nhật 17/02/2022
 
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Sáng ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở các bộ, cơ quan Trung ương. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Tiềm năng kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX.

Đến 31/12/2021, cả nước có trên 27.000  HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013 .

Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.

Tại Thừa Thiên Huê, đến nay, toàn tỉnh có 306 HTX, trong đó nông nghiệp có 218 HTX, phi nông nghiệp có 88 HTX, thu hút 172.475 thành viên và có 38.993 lao động đang tham gia trong khu vực này. Doanh thu bình quân của HTX năm 2021 ước đạt 3.300 triệu đồng; lãi bình quân một HTX năm 2021 đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX năm 2021 ước đạt 32 triệu đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển HTX theo mô hình HTX kiểu mới. Trọng tâm vào các đối tượng là cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ quản lý HTX nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển HTX, nhất là các mô hình HTX kiểu mới. Tuyên truyền cho thành viên và người dân nhận thức rõ ràng về nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, quản lý dân chủ, bình đẳng của HTX… theo quy định của Luật HTX năm 2012.

Tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của HTX, THT. Nhất là chú ý kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về HTX. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX.

Kiện toàn hoặc giải thể các HTX được đánh giá, phân loại hoạt động yếu kém trong nhiều năm liền, tiếp tục vận động thành lập mới HTX, trọng tâm là các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới tiến tới hoàn chỉnh các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường mối liên kết giữa HTX với thành viên, HTX với HTX, HTX với các doanh nghiệp… nhằm thúc đẩy mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, HTX gắn với sản phẩm OCOP. Tiếp tục củng cố HTX nông nghiệp theo hướng kinh doanh tổng hợp; xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu nhằm nhân rộng trong các HTX trong đó tập trung nguồn lực khắc phục những tồn tại, yếu kém của HTX đã được chỉ ra trong thời gian qua.

Khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, KTTT, mà nòng cốt là HTX, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Khu vực KTTT, HTX đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

 

Khẳng định “Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nêu một số mục tiêu, định hướng, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển KTTT thời gian tới, nhằm phát triển năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác; phát huy vai trò dẫn dắt của KTTT, HTX trong thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia, góp phần sớm đạt mục tiêu nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ban, bộ, ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về KTTT. Phát triển KTTT theo hướng sáng tạo, khoa học, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khu vực KTTT. Nghiên cứu, có mô hình quản trị KTTT và kinh tế HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình phát triển truyền thống và phù hợp với tình hình phát triển trong nước, quốc tế trong thời kỳ mới. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm của KTTT, các HTX.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia khu vực KTTT, HTX. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi, xây dựng quy hoạch phát triển dựa trên thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. "Phải khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt vừa qua; xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm theo quy hoạch để các sản phẩm của KTTT, HTX đi chính ngạch vào các thị trường khó tính", Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng chỉ rõ, việc sửa đổi Luật HTX cần tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng. Không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng HTX. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển. Hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cho khu vực KTTT có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực.

www.thuathienhue.gov.vn
Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 6.820