Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Phát huy giá trị di sản văn hóa Huế và di sản Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế
False 33946Ngày cập nhật 04/12/2021

Di sản văn hóa chứa đựng những giá trị to lớn đối với mỗi một quốc gia, dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm lớn lao của toàn Đảng, toàn dân mang tính thường xuyên, lâu dài và cấp thiết “...nhằm giáo dục thuyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam trong toàn dân; ...”.

 

Phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay càng có ý nghĩa khi đất nước ta bước vào thời kỳ mới, với nhiều tác động đa chiều của phát triển và hội nhập. Vấn đề đặt ra là từ trên nền tảng văn hóa dân tộc, dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng về văn hóa – xã hội, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa công sức và trí lực để tiếp tục phát huy tinh hoa truyền thống dân tộc, đồng thời xây dựng và xác lập những giá trị văn hóa mới, vun đắp nền tảng đạo đức xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh. Đây chính là nhiệm vụ chính trị cũng đồng thời là động lực to lớn để tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng cho sự phát triển vững mạnh của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế. Trong chiều dài lịch sử, nhất là với hơn 700 năm hình thành và phát triển bởi dấu ấn của người Việt, trong đó có hơn 300 năm đóng vai trò là trung tâm của Đàng Trong và là kinh đô của đất nước đã để lại kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn riêng biệt, đặc trưng của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Đặc biệt, vùng đất và con người và văn hóa Huế đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người cùng gia đình sinh sống và học tập trong nhiều năm; là nhân tố quan trọng góp phần hình thành nên nhân cách cao đẹp và tạo dựng sự nghiệp lẫy lừng của một bậc vĩ nhân của thế kỷ XX.

Nhận thức di sản văn hóa Huế, di sản Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, xác định việc nghiên cứu, giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy những giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Tổ quốc hiện nay đồng thời có ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tích cực đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Huế và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, quyết tâm biến giá trị di sản văn hóa đặc sắc thành nguồn lực nội sinh phục vụ công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương Thừa Thiên Huế.

Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, di sản văn hóa Huế và di sản Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế với sự chung tay của toàn xã hội là thật sự cần thiết, là công việc có ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là đội ngũ những người làm công tác văn hóa, giáo dục, trong đó có cán bộ bảo tàng và di tích đã, đang và cần nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội” để có tầm nhìn cao hơn, có hành động cụ thể và thiết thực hơn, có “tâm” hơn trong việc khai thác, sử dụng và tập trung phát huy, nâng cao vai trò, vị thế của di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế. Một trong những nội dung cần làm ngay là phải nỗ lực không ngừng để tiếp tục đưa những thực thể di sản riêng có và giàu bản sắc ở Thừa Thiên Huế trở thành địa chỉ cần thiết phải tham quan, trải nghiệm đối với nhân dân tỉnh nhà và khách tham quan trong và ngoài nước. Phải biến vùng đất Huế, với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng thực sự là trung tâm sinh hoạt chính trị văn hóa, nơi hội tụ trái tim và tình cảm của đồng bào, đồng chí, của kiều bào yêu nước và bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam, yêu mảnh đất và con người xứ Huế tìm về cội nguồn, để được khơi dậy và bừng cháy lên ngọn lửa yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của đồng bào.

Trước nhiệm vụ xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực thì việc khai thác di sản văn hóa Huế, các di tích lịch sử, cách mạng, văn hoá, danh thắng, cảnh quan ở Thừa Thiên Huế và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh thông qua hoạt động của ngành văn hóa, của các bảo tàng và hệ thống các di tích là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng. Các hoạt động trên cần phải đạt được mục tiêu là giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng và lòng tự hào yêu quê hương đất nước; hiểu và thêm kính yêu Bác Hồ; giới thiệu cho khách du lịch trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng, nét đẹp thiên nhiên, con người xứ Huế; làm tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội, cho tỉnh nhà, cho người dân. Thông qua các hoạt động đa dạng và phong phú, với sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng để giúp người dân không ngừng hình thành và nâng cao ý thức coi trọng những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, ý thức được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, văn hóa Huế. Từ trong di sản văn hóa, thông qua việc không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị, sẽ trở thành nguồn lực nội sinh để tiếp thêm sức mạnh cho mỗi một cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục thực hiện thành công lý tưởng cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và dày công vun đắp.

Những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di dản văn hóa không chỉ là công việc thuần túy trong công tác nghiên cứu khoa học, là nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, tư tưởng, của đội ngũ cán bộ bảo tồn, bảo tàng, cán bộ di tích, mà đây còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị ở Thừa Thiên Huế trong việc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước yêu cầu cấp thiết là đưa di sản văn hóa Huế thành nền tảng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đã đến lúc Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế cần có sự đổi mới, đột phá trong thực hiện mục tiêu, tầm nhìn để nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế, di sản Cố đô và di sản Hồ Chí Minh trên đất Thừa Thiên Huế, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, tạo thành động lực to lớn để hiện thực hóa tầm nhìn: Huế - trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam, tiếp tục xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp và phát triển hài hòa, bền vững theo tiêu chí đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường. Đây đồng thời còn là hoạt động có ý nghĩa trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Là việc làm thiết thực từng bước thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra là: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

https://tinhuytthue.vn/tin-tuc-trong-tinh/van-hoa-du-lich/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-hue-va-di-san-ho-chi-minh-tai-thua-thien-hue.html

 

 

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 5.801