Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Nhiệm vụ đặc biệt mới với giáo dục tiểu học
False 8631Ngày cập nhật 15/08/2021

Năm học 2021-2022, giáo dục tiểu học đặt ra những nhiệm vụ đặc biệt mới, trong đó quan trọng là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19.

 

Ngày 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt đối với ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19, học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen với nề nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch, không ít địa phương đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường, thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành giáo dục cả nước đã chung tay nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, thời gian qua, các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp phù hợp để tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Việc duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học.

Triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt kết quả tích cực. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục dưới hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đã bước đầu được triển khai hiệu quả.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88, đã có 5 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Nhà trường bước đầu sử dụng các hình thức dạy học trực tuyến trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; tăng cường các hoạt động trải nghiệm để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, việc triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa nên việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành. Cùng với đó là những khó khăn khác liên quan đến nội dung giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất; sự chưa đồng đều trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại các địa phương...

5 nhiệm vụ cho giáo dục tiểu học

Bộ GD&ĐT đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho giáo dục tiểu học năm học 2021-2022. Cụ thể, tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT và được hướng dẫn sử dụng SGK lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học, vẫn là nhiệm vụ được chú trọng thực hiện trong năm học này. Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đặc biệt, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục cũng như điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình...

Nguồn Báo điện tử Chính phủ

 

Phòng Văn hóa và Thông tin
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.289