Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam
False 13622Ngày cập nhật 18/07/2021

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiêp Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí công bố về Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. 

 

Bộ tiêu chí đưa ra 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường, được tổ chức thành 2 phần. Phần một là các điều kiện bắt buộc mà doanh nghiệp phải vượt qua mới được xét tiếp ở vòng sau, gồm: không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật. Phần hai là các tiêu chí đánh giá phân thành năm nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã trình Thủ tướng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

Công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam -0 Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Gắn liền Bộ tiêu chí này là Quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Quy chế gồm có 6 chương, 14 điều, tập trung vào các vấn đề chính như: Những quy định chung; các tiêu chuẩn bắt buộc và cụ thể dựa trên Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; điểm chuẩn để được công nhận; hình thức, thời gian tôn vinh và cơ quan công nhận; trình tự đăng ký, xét duyệt và công nhận, yêu cầu về hồ sơ đăng ký tham gia; quyền lợi và quy định xử lý vi phạm; các điều khoản thi hành.

Đây là Quy chế khung với các nội dung cơ bản nhất. Trong quá trình thực hiện, quy chế có thể được bổ sung, sửa đổi phù hợp tình hình thực tế. Đây là hình thức tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp đã thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Việc công nhận và tôn vinh góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước; từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Cũng tại buổi họp, Hiệp hội đã giới thiệu Đề án tổ chức Diễn đàn thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức hằng năm, mỗi năm có một chủ đề riêng gắn với bối cảnh và yêu cầu của năm. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, mục đích của hoạt động này là nhằm tạo một diễn đàn quốc gia để lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về văn hóa và văn hóa kinh doanh. Từ đó, góp phần khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo đó, Diễn đàn thường niên năm 2021 dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào tuần thứ hai tháng 11/2021, nhân dịp ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (ngày 10/11) với ba hoạt động chính: Tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Tiếp biến văn hóa - Nền tảng hồi phục và phát triển bền vững kinh tế"; Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam"; Sơ kết 5 năm triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.”

Nội dung Diễn đàn năm 2021 tập trung tập trung vào các vấn đề: Lý luận chung về tiếp biến văn hóa để phát triển; vai trò của tiếp biến văn hóa đối với phát triển bền vững kinh tế; bài học kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam và thế giới; tiếp biến văn hóa để tồn tại, hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19; tiếp biến văn hóa - nền tảng để hội nhập kinh tế quốc tế thành công; đề xuất, kiến nghị, cơ chế, chính sách.

Những hoạt động trên của Hiệp hội nhằm từng bước triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nguồn báo nhân dân

 

 

Phòng Văn hóa và Thông tin
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 410