Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ thông tin (CNTT), việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp mà còn giúp cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp làm việc với cơ quan Nhà nước được nhanh chóng, thuận tiện.
Do đó, ngành tư pháp địa phương đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các hoạt động nhằm thúc đẩy, nâng cao trình độ và kỹ năng khai thác sử dụng phương tiện, ứng dụng CNTT; xây dựng, ứng dụng và triển khai các hệ thống phần mềm, hệ thống trang thiết bị, hệ thống mạng và hệ thống an toàn, an ninh, bảo mật thông tin.
Nổi bật trong triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động tư pháp tại Lai Châu là việc xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng. Với hệ thống này, người dân thay vì phải tự tìm hiểu thông tin tài sản mình cần giao dịch thì nay chỉ cần "nhấp chuột" vào hệ thống cơ sở dữ liệu, công chứng viên sẽ giúp họ có thông tin chính xác. Ngoài ra, ứng dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc nhập dữ liệu, quản lý đã phát huy hiệu quả đáng kể.
Trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thanh Hoá đã đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; sử dụng mạng xã hội qua ứng dụng Facebook, fanpage...; tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương nhằm cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng tới người dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các cá nhân, tổ chức tại Hải Phòng, Sở Tư pháp Hải Phòng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực của ngành.
Sở Tư pháp Hải Phòng còn thường xuyên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính, cắt giảm trên thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT trong việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Để làm tốt và phát huy hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành tư pháp giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Bộ Tư pháp đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; triển khai ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số…
https://baochinhphu.vn/