Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở huyện miền núi Nam Đông
False 13189Ngày cập nhật 14/04/2021

Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Nghị quyết đại hội lần thứ XI của Đảng đánh giá: “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội”. Đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đào tạo”.

 

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm được tỉnh, huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững, nâng cao đời sống cho nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề của xã hội. Với tầm quan trọng đó, bằng nhiều giải pháp tích cực, nhiều năm qua huyện Nam Đông đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào tham gia học nghề ngày càng được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, trong đó Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Đông đã đồng hành chung tay góp sức trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà sau 30 năm tái lập.

Ông Lê Thanh Hồ, PCT UBND huyện phát biểu khai giảng lớp May tại xã Hương Sơn

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả, hằng năm căn cứ vào những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, các ngành, địa phương, đơn vị trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của người lao động trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề; xây dựng chương trình và nội dung đào tạo nghề thiết thực cho từng nhóm đối tượng; tăng cường liên kết trong việc chuyển giao - tiếp nhận tri thức, kỹ thuật, sử dụng lao động qua đào tạo, tiêu thụ sản phẩm của lao động trong và sau khi đào tạo nghề; ưu tiên những nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo vay để giải quyết việc làm; khuyến khích và tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động như hoạt động của công ty TNHH Kimsora doanh nghiệp may mặc với sản lượng khoảng 300.000 sản phẩm/năm, đã thu hút và giải quyết việc làm hơn 580 lao động. Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực chăm lo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nên từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã đào tạo hơn 2.385 lao động, giải quyết việc cho hơn 2.004 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2010 - 2015. Kết quả này góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề, dịch vụ. Đặc biệt, thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện, tỉ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 14,5% đến nay giảm còn 4,65%.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, đưa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tình hình mới, nhất là giai đoạn hiện nay khi mà các cụm công nghiệp, dịch vụ, các làng nghề truyền thống… trên địa bàn toàn huyện đang ngày càng mở rộng và phát triển, huyện Nam Đông đã và đang tập trung nhiều giải pháp cụ thể như: Tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55 - 60% (hiện nay 43,1%), chú trọng về chất lượng đào tạo; đầu tư một cách đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề. Liên kết giữa đơn vị đào tạo và cơ sở sử dụng, đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp...

Đối với lao động nông thôn tập trung thực hiện việc tổ chức đào tạo nghề tại chỗ, lưu động các địa bàn thôn, bản còn gặp nhiều khó khăn, học thực hành trực tiếp tại các vườn cao su, vườn cam, các gia trại, trang trại; tổ chức học viên thăm quan học tập các mô hình trang trại, gia trại, các cơ sở sản xuất, đơn vị doanh nghiệp… trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp người học nghề tiếp cận nhanh các ngành nghề được học, thực hành ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho chính mình, cũng như nhiều lao động khác.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của UBND huyện, phòng Lao động - TB&XH và Trung tâm GDNN - GDTX chú trọng liên kết đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư nhằm giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện sau khi học nghề. Vì thế, đã đạt một số kết quả đáng khả quan, trong đó mô hình phối hợp đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo với công ty TNHH Kimsora là mô hình dạy nghề hiệu quả nhất. Tính đến thời điểm này lao động sau đào tạo có việc làm với mức lương khởi điểm trung bình một tháng từ 3.500.000 đồng trở lên.

Sau khi học nghề có 70% lao động đã qua đào tạo nghề thuộc nhóm kỹ thuật và dịch vụ được giới thiệu tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm; 100% lao động đã qua đào tạo thuộc nhóm nghề nông nghiệp đã ứng dụng các kiến thức đã học phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp vào chính hộ gia đình người học. Công tác đào tạo nghề tại huyện tăng cả về mặt số lượng và chất lượng từ năm 2012 - 2020 là 758 học viên.

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm thành công, trong thời gian đến cần bám sát Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện về việc thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn huyện. Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động địa phương; làm tốt công tác hướng nghiệp, tổ chức dạy học Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề, phân luồng học sinh tham gia học nghề theo Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 và Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

          Định kỳ tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trong độ tuổi để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm sát, đúng, cụ thể và đảm bảo kế hoạch; phối hợp với các công ty trên địa bàn tuyển dụng lao động góp phần tạo việc làm cho lao động đã qua đào tạo, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

 Xây dựng đội ngũ bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn, có phong cách nhà giáo mẫu mực, quy tụ sự đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với công tác giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về công tác đào tạo nghề, góp phần chuyển đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề đối với sự nghiệp giảm nghèo bền vững, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong sự nghiệp phát triển quê hương Nam Đông giàu mạnh cũng như đáp ứng công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực qua đào tạo ở nước ta ngày càng gia tăng, công tác đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì việc thay đổi mô hình đào tạo theo hướng gắn với giải quyết việc làm được xem là một trong những giải pháp phù hợp cả về lý luận và thực tiễn; đây là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường. Việc gắn kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả đơn vị đào tạo và người lao động nhận thức được sự hưởng lợi từ việc làm.

Giải quyết việc làm cần có sự quyết tâm vào cuộc của đơn vị đào tạo nghề và doanh nghiệp phối hợp với nhau để thực hiện các công việc trong tất cả các nội dung của quy trình đào tạo, tuyển chọn đầu vào, lựa chọn người dạy và các điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình đào tạo, kể cả cơ chế chính sách, tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nếu được đầu tư, việc giải quyết việc làm ở huyện Nam Đông sẽ theo hướng khởi sắc mới.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 9.656