Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC CƠ TU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
False 38571Ngày cập nhật 10/03/2021

Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, là địa phương có chủ yếu hai dân tộc cùng sinh sống là Kinh và Cơ tu, trong đó đồng bào dân tộc Cơ tu chiếm 43 % dân số toàn huyện. Đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, canh tác, lễ hội, trang phục, kiến trúc, hoa văn của đồng bào dân tộc Cơ tu... là những giá trị văn hóa độc đáo và vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông. Hiện nay, một số lễ hội, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống của đồng bào đã và đang bị mai một và có nguy cơ không còn lưu truyền được. Do đó, việc bản tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống làm cho giá trị văn hóa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong thực tiễn hiện nay.  

 

Trong những năm qua, huyện Nam Đông đã tổ chức sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn các loại văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc bản địa huyện Nam Đông; xây dựng các mô hình làng, bản, thôn văn hóa truyền thống; tổ chức liên hoan gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa. Chú trọng phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu như nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc), tri thức dân gian, các nghề thủ công, các lễ hội và phong tục tập quán, chữ viết và ngôn ngữ của dân tộc Cơ tu và đã đạt được những kết quả bước đầu (mở được 11 lớp với 495 học viên được đào tạo và cấp chứng chỉ về học tiếng Cơ tu cho cán bộ, công chức, viên chức người Kinh công tác trên địa bàn huyện, 9 lớp truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt dèn, sản phẩm hàng lưu niệm từ mây tre, lớp đứng điểm về du lịch cho 230 học viên), sưu tầm hiện vật của người Cơ tu ở 6 xã đinh canh định cư để phục vụ cho việc tham quan, học tập và nghiên cứu tại nhà văn hóa dân tộc huyện, phục dựng lại 3 nhà Gươi của người Cơ tu trên địa bàn huyện; Những phong tục, tập quán, điệu nhạc, lời ca của đồng bào dân tộc Cơ tu như: Hát lý, nói lý, điệu múa Tântung-Zazã, đánh cồng chiêng, mừng lúa mới, vào nhà mới, Bhơnooch, Babooch, Cha chấp, Kalới… đã tạo nên bức tranh phong phú, sinh động, đa dạng về văn hoá, làm say đắm lòng người. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu thực sự là động lực quan trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tổ chức luân phiên ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế 2 năm một lần giữa Nam Đông và A Lưới…Hàng năm các đội văn nghệ truyền thống của huyện tham gia biểu diễn, giao lưu văn hoá - nghệ thuật truyền thống của các dân tộc tại tỉnh và ngoài tỉnh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hát dân ca, điệu múa, thi trang phục đẹp của dân tộc Cơ tu; tổ chức các lễ hội tiêu biểu và dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc.

 

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, mặt bằng trình độ dân trí thấp, các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ. Một số địa phương chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa bản địa đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên thiếu quan tâm đầu tư, khai thác hết mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ và nhân dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự năng động, sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và ý thức tự giác giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Công tác xã hội hoá văn hóa nói chung và trong lĩnh vực phát triển và bảo tồn di sản văn hóa nói riêng, nhất là bảo tồn văn hóa phi vật thể còn gặp nhiều khó khăn.

Ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa chưa đồng bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

Bế giảng lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại xã Hương Sơn

Đặc trưng văn hóa nổi bật của huyện chính là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu. Nam Đông là 01 trong 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Cơ tu sinh sống. Sự gắn bó của đồng bào với núi, rừng và sự thích nghi với môi trường đã tạo nên những nét riêng, đặc biệt là lối sống, kiến trúc nhà ở, nhà cộng đồng, về hệ thống tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật, trang phục, ẩm thực..... mang đặc trưng vùng miền rõ nét. Tuy nhiên trong qúa trình sống, một số nét văn hóa trên dần mai một, mất dần bản sắc. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, điều có ý nghĩa sống còn là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và đổi mới tại địa phương. Có như vậy mới có thể phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu, Đảng bộ và chính quyền huyện Nam Đông xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của chính quyền và toàn thể nhân dân trong huyện; cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước: Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, đưa du lịch thành thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa làng bản và phát triển du lịch cộng đồng.

Tuyên truyền giáo dục: Có giải pháp cụ thể hóa các quy định chung của Nhà nước đến cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa; đảm bảo rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa để thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Tăng cường vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân, gắn với xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát triển.

 Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn, quản lý lâu dài và phổ biến các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, dân ca, dân nhạc, dân vũ, nói lý, hát lý, ca dao, tục ngữ, truyện cổ... Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập thể, cá nhân tổ chức các hoạt động biễu diễn nghệ thuật truyền thống và truyền dạy nghề trên cơ sở khai thác, phổ biến nghệ thuật truyền thống.

Đề cao vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng tham gia với vai trò then chốt trong việc bảo tồn, phát triển, gìn giữ và phát huy văn hóa qua truyền dạy, bồi dưỡng và tập huấn, hội thi sáng tác, khuyến khích bằng tiếng dân tộc. Thường xuyên đăng tải và giới thiệu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Nam Đông qua hệ thống truyền thông đại chúng.

Phòng Văn hóa và Thông tin

 

 

 

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 658