Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử
False 11805Ngày cập nhật 24/02/2021

Xây dựng Chính quyền điện tử là để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Với nguyên tắc là lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân.

 

Ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thành công Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, thời gian qua toàn huyện đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, trong những năm gần đây chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin được cải thiện rõ rệt, nằm trong tốp cao của cấp huyện.

Mỗi buổi sáng trong tuần, không khí làm việc tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp xã khẩn trương, nghiêm túc, mọi công việc được xử lý nhanh, hiệu quả. Đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính đều được thực hiện một cách nhanh chóng. Hàng ngày, mỗi cán bộ, công chức, viên chức chỉ cần truy cập vào hệ thống Quản lý văn bản và điều hành là có thể nắm được công tác chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện và các văn bản chỉ đạo khác để triển khai thực hiện. Mọi công việc đều được chuyển nhận qua hệ thống thư điện tử công vụ, tiết kiệm được thời gian, đảm bảo công việc được triển khai kịp thời, tránh thất lạc. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất vài ngày thì nay chỉ vài giây nhấp chuột là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo, ngược lại cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở, từ đó có nhiều thời gian để xử lý công việc hơn.

Với 10 đơn vị hành chính cấp xã, nhiều năm nay huyện luôn quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành các cấp. Hằng năm, huyện đều dành một phần kinh phí để đầu tư hạ tầng ứng dụng CNTT và đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã. 100% các xã, thị trấn và các phòng, đơn vị trực thuộc UBND huyện thực hiện gửi nhận văn bản qua hệ thống phần mềm (trừ văn bản mật); gần 95% cán bộ công chức, viên chức sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc, chữ ký số và chứng thực điện tử cho các cơ quan. Tháng 04/2017, UBND huyện chính thức khai trương Trung tâm Hành chính công huyện và đến cuối năm 2018 tất cả các xã đều đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Mặc dù mới đi vào hoạt động, song Trung tâm Hành chính công huyện đã phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm tối đa về thời gian, công sức của cá nhân, tổ chức khi thực hiện các TTHC với tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ của tổ chức, cá nhân tại Trung tâm luôn đạt trên 98%. Đã liên thông hồ sơ từ cấp xã đến cấp huyện, đến cấp tỉnh, thể hiện sự quyết tâm của huyện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0; năm 2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2012/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0. Đây chính là nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT từ cấp tỉnh tới cấp xã nhằm xây dựng hệ thống Chính quyền điện tử toàn diện vào năm 2020 và hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc Chính điện tử, chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2030; hàng năm ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT để thực hiện, ban hành Quy chế gửi, nhận, quản lý, lưu trữ văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước huyện và các văn bản chỉ đạo thực hiện, từ đó tạo môi trường pháp lý quan trọng để đầu tư hiệu quả cho việc ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện.

Đến nay, hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã được đầu tư xây dựng, bổ sung, nâng cấp. Các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành tiếp tục được triển khai, đặc biệt là phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, 100% TTHC cấp huyện và xã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Trong đó, ở cấp huyện có 142/368 TTHC mức độ 3 và 107/368 TTHC mức độ 4; cấp xã có 31/123 TTHC mức độ 3 và 70/123 TTHC mức độ 4. Huyện và 10 xã, thị trấn có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về bộ TTHC, liên kết hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu, theo dõi quá trình xử lý, giải quyết TTHC trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là các hướng dẫn để kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ; việc đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT ở cấp xã chưa đồng bộ. Việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả trên phần mềm một cửa tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả ở một số đơn vị cấp xã vẫn còn chưa kịp thời và chưa đảm bảo quy định; vẫn còn tình trạng hồ sơ đã giải quyết cho người dân trên thực tế đúng hạn nhưng cán bộ, công chức thực hiện chậm việc xử lý trên phần mềm nên báo trễ hẹn. Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đó là thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp còn thấp, vẫn chủ yếu theo cách thức truyền thống.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử trong thời gian tới. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm triển khai lộ trình ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng mô hình hoàn chỉnh về hệ thống Chính quyền điện tử trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử của huyện; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh, sử dụng hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo hạ tầng và các ứng dụng phải tích hợp với trục liên thông của tỉnh theo yêu cầu của Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh. Triển khai hệ thống quản lý, điều hành Chính quyền điện tử liên thông các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung, dùng riêng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử. Cùng với đó, xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ quy mô cấp huyện nhằm khai thác tối đa chức năng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Để hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện đang tập trung ứng dụng hệ thống thông tin phục vụ họp trực tuyến và xử lý công việc các cơ quan nhà nước ở cấp huyện, cấp xã; nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ của huyện; cung cấp hộp thư điện tử cho các cán bộ, công chức của các đơn vị sự nghiệp, các xã, thị trấn... Phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về CNTT; đào tạo kiến thức nâng cao về quản trị mạng cho cán bộ CNTT chuyên trách huyện, cán bộ phụ trách CNTT các xã, thị trấn. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc triển khai Chính quyền điện tử...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và có sự vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ, công chức, viên chức để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng CNTT trong giao tiếp với các cơ quan hành chính nhà nước, đưa chính quyền đến gần dân và đưa dân tới gần chính quyền, góp phần đẩy mạnh thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất, qua đó thúc đẩy Chính quyền điện tử, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện./.

 

Văn phòng HĐND và UBND huyện

 

 

 

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.634