Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tăng cường quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện
False 12859Ngày cập nhật 24/02/2021

Có thể nói, chưa bao giờ các vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lại được cả thế giới, cộng đồng các quốc gia, dân tộc quan tâm và đặt ra như hiện nay.

 

Đối với huyện Nam Đông, nhìn lại chặng đường 30 năm qua, thời điểm đó, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, tự cung tự cấp, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện hầu như chưa có gì; công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực Tài nguyên môi trường còn khá đơn giản; tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 64.777,8 ha nhưng hầu hết đều do các nông lâm trường quản lý, chưa được quy hoạch, quản lý và cấp quyền sử dụng đất cho người dân; tài nguyên khoáng sản hầu như chưa được đưa vào hệ thống quản lý; tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Đội ngũ cán bộ quản lý ngành Tài nguyên môi trường trước năm 1999 hầu như chỉ bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác địa chính trực thuộc các phòng chuyên môn cấp huyện. Từ sau năm 1999 đến nay, tổ chức của cơ quan làm nhiệm vụ công tác quản lý ngành Tài nguyên môi trường thay đổi nhiều lần, số lượng cán bộ, công chức ít.

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, cả về cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện,... nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến xã; sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các Sở, ngành; sự phối kết hợp của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức của ngành Tài nguyên môi trường, công tác tham mưu, quản lý lĩnh vực Tài nguyên môi trường đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, Công tác triển khai lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QH, KH SDĐ) đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất tác quản lý sử dụng đất dần đi vào nề nếp, đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Kết quả đã lập QHSDĐ theo chu kỳ và KHSDĐ 5 năm kỳ đầu, lập KHSDĐ hàng năm của huyện theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, 2003 và 2013.

Thông qua QH, KHSDĐ đã tạo sự liên kết, đồng bộ giữa QH, KHSDĐ với quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất đã được nâng lên, tạo sự thống nhất trong việc sử dụng đất. Công tác tổ chức triển khai quản lý QH, KHSDĐ được tiến hành đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã thông qua việc công khai QH, KHSDĐ trên cổng thông tin điện tử cấp huyện.

quy hoạch Tổ dân phố 1, thị trấn Khe Tre

Thứ hai, Công tác đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Từ khi tái lập huyện, từ một địa bàn ”trắng” về công tác quản lý đất đai, đất đai hầu như chưa được giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Qua gần 30 năm, địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính để đăng ký cấp Giấy CNQSDĐ, xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính cho 09 xã và chỉnh lý bản đồ địa chính đối với thị trấn Khe Tre. Nhờ làm tốt công tác đo đạc nên việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính được tiến hành thường xuyên và liên tục. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đồng thời với việc cấp CNQSDĐ và lập hồ sơ địa chính để đảm bảo cơ sở dữ liệu địa chính được cập nhật và vận hành đồng bộ, thống nhất giữa các cấp.

Đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ gần 98%. Trong đó đất ở đô thị đạt 100%, đất ở nông thôn đạt gần 99%, đất nông nghiệp đạt trên 97%.

Thứ ba, Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian qua đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phong trào vận động nhân dân hiến đất, hiến cây để thực hiện các công trình, dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng, đặc biệt là những công trình, dự án lớn như đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường La Sơn - Nam Đông, các dự án Thủy điện Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hồ Tả Trạch, các công trình chỉnh trang đô thị, nông thôn,... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị, nông thôn của huyện từng bước khởi sắc.

Việc bố trí tái định cư cho những hộ bị ảnh hưởng được triển khai kịp thời nhằm đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp tiến độ thực hiện. Các khu bố trí tái định cư được xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khá đầy đủ và được sự đồng tình của các hộ dân, đảm bảo cuộc sống ổn định sản xuất phát triển kinh doanh.

Đường cao tốc đường La Sơn- Tuý Loan

Thứ tư, Công tác thu gom, xử lý chất thải. Sự phát triển kinh tế - xã hội tất yếu kéo theo vấn đề ô nhiểm môi trường, rác thải sinh hoạt ngày một gia tăng, có nhiều phương án thu gom, xử lý đã được đưa ra để giải quyết nhất là từ khi thực hiện Đề án số 08/ĐA-UBND và Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 19/12/2012 của Hội đồng nhân dân huyện về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020, công tác thu gom xử lý vệ sinh môi trường ngày được quan tâm và đi vào nền nếp, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được xử lý kịp thời. Hằng năm, tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đều được nâng lên (từ 27,3% năm 2014, đến nay đạt 95%). Hiên nay, các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Đề án ngày Chủ nhật Xanh do UBND tỉnh phát động.

Tái chế phế liệu - Hưởng ứng ngày Chủ Nhật xanh

Thứ năm, Công tác thăm dò, quy hoạch mỏ được thực hiện đảm bảo quy trình, quy định. Hiện tại, các khu vực có tài nguyên đất, cát, sỏi, đá đều cơ bản được đưa vào quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý chặt chẽ tình hình khai thác khoáng sản, không còn tình trạng khai thác trái phép ồ ạt như trước đây.

Tuy nhiên, song song với những kết quả đạt được, công tác quan lý Tài nguyên môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nổ lực khắc phục, đó là:

- Tình hình triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội nhất là việc thực hiện các công trình, dự án và tình hình sử dụng đất của nhân dân.

- Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra; tình trạng lấn, chiếm, mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra.

- Công tác quản lý đất đai ở cơ sở chưa thực sự chặt chẽ, còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, trồng cây lâu năm trên đất lúa, xây dựng công trình không có giấy phép trên đất nông nghiệp, tự ý đổ đất san lấp vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

- Công tác quản lý tài nguyên, môi trường nhất là lĩnh vực đất đai, khoáng sản trong thời gian đến sẽ còn nhiều khó khăn do nhu cầu về đất sản xuất, nguyên vật liệu xây dựng của người dân ngày càng cao trong khi quỹ đất, tài nguyên khoáng sản ngày càng thu hẹp, hệ thống văn bản vẫn còn trùng chéo, một số vụ việc phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định cụ thể nên khi thực hiện nãy sinh vướng mắc. Vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là thách thức cho toàn xã hội nói chung và công tác quản lý của ngành tài nguyên môi trường nói riêng.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế trên, thời gian đến cần thực hiện một số biện pháp, giải pháp sau:

* Trong lĩnh vực đất đai:

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý, hiệu quả nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất đảm bảo hài hòa giữa các nhóm sử dụng đất. Rà soát các khu vực có điều kiện hạ tầng cơ bản thuận lợi để quy hoạch chi tiết các khu dân cư nhằm tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu về đất ở cho người dân trên địa bàn.

- Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn khi được giao làm chủ đầu tư các công trình, dự án phải thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước khi thực hiện đầu tư xây dựng; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn để kịp thời xử lý nghiêm hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những trường hợp xây dựng chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích.

- Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm quỹ đất của Nhà nước) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; ưu tiên thực hiện hòa giải trong xử lý tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định, tránh hình thành điểm nóng hoặc khiếu nại, tố cáo kéo dài.

- Chú trọng công tác thẩm định hồ sơ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất đúng thẩm quyền và đúng quy định; tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNO và TSKGLVĐ (gọi tắt là Giấy chứng nhận) đạt mục tiêu 100% người sử dụng đất đều được cấp quyền sử dụng.

* Trong lĩnh vực môi trường:

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng tới sử dụng các vật liệu, ứng dụng các công nghệ xử lý rác thân thiện môi trường. Hướng đến 100% rác thải đều được thu gom,xử lý đảm bảo quy định.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh để hạn chế và chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm, tuyệt đối không để xãy ra cơ sở gây ô nhiểm nghiêm trọng trên địa bàn.

- Có giải pháp công trình, phi công trình để giảm thiều thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân chung tay vệ sinh môi trường hướng đến xây dựng huyện Nam Đông Xanh - Sạch - Sáng.

* Trong lĩnh vực khoáng sản:

- Tăng cường công tác rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm có nguồn tài nguyên khoáng sản, quản lý và kiểm tra, giám sát việc bảo vệ tài nguyên chưa khai thác nhất là các mỏ đất, đá, cát trong quy hoạch.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định.

- Tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các vật liệu xây dựng để thay thế nguồn tài nguyên khoáng sản (cát, sỏi) ngày một cạn kiệt để đảm bảo sự phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Để làm tốt công tác quản lý Tài nguyên môi trường, đòi hỏi có sự vào cuộc của các cấp, các ngành của hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của toàn xã hội mới có thể khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên, đồng thời bảo vệ tốt môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển./.

 

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện

 

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 945