Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Nông nghiệp Nam Đông chuyển mình và phát triển
False 14342Ngày cập nhật 24/02/2021

Trong những năm đầu tái lập huyện, đời sống của người dân còn rất khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Sản xuất nông nghiệp của huyện còn mang tính tự cung, tự cấp; sản phẩm làm ra chỉ được trao đổi, biếu tặng trong các thôn bản với nhau, chưa có tính hàng hóa; hình thức sản xuất là du canh, du cư, phát nương làm rẫy, phát đốt, cốt trỉa; người dân chưa có khái niệm sản xuất lúa nước mà chủ yếu là làm lúa rẫy; sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên; công tác đầu tư, thâm canh chưa được quan tâm; công tác giống chưa được chú trọng, chủ yếu là sử dụng các giống truyền thống trong dân và được để lại từ vụ này sang vụ khác không qua chọn lọc; kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu, người nông dân chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật nên sản xuất mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm; năng suất và chất lượng sản phẩm thấp; các dịch vụ phục vụ sản xuất chưa phát triển; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được định hướng cụ thể, chủ yếu là các giống truyền thống của địa phương mang lại giá trị kinh tế thấp.

 

Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; ngành Nông nghiệp đã tập trung nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp toàn diện; thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân; giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật; định hướng cây trồng vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất tập trung; đề xuất bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; xây dựng các Đề án, Dự án, Kế hoạch để tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, …. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện nhà đã có những thay đổi rõ nét và đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên tất cả mọi mặt.

Thứ nhất, Nhận thức của người nông dân đã được nâng lên; tư duy sản xuất đã được thay đổi; tập quán du canh, du cư, phát đốt, cốt trỉa đã dần được xóa bỏ và chuyển sang định canh, định cư; cây lúa rẫy đã dần được xóa bỏ và được thay bằng cây lúa nước; định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được xác định; người nông dân đã nắm được quy trình sản xuất của một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện; công tác giống đã được quan tâm, các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được sử dụng để sản xuất; người nông dân đã biết đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; năng suất và chất lượng đã được nâng lên rõ rệt.

Thứ hai, Cơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp đã được tập trung đầu tư; đến nay, đã có hơn 88km đường đến trung tâm sản xuất ở các xã, đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện; gần 68km kênh cấp 1 và kênh cấp 2 được kiên cố hóa; các công trình thủy lợi đã được nâng cấp, sửa chữa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, Trong trồng trọt, sản xuất đã chuyển dịch theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương. Nhiều cây trồng có giá trị và thị trường ổn định đã được nhân rộng như: Cam Nam Đông với diện tích 165 ha; Chuối đặc sản với diện tích 172 ha; Dứa với diện tích 35,5 ha; Cao su với diện tích 2.497 ha; Gấc 12 ha. Nhiều mô hình công nghệ tiên tiến đã được áp dụng để nâng cao giá trị sản xuất như: Mô hình 3 giảm 3 tăng, mô hình SRI trong sản xuất lúa nước; mô hình nhà lưới nhà màn trong sản xuất rau sạch... Từ đó, giá trị thu nhập bình quân trong lĩnh vực trồng trọt đến năm 2019 đạt 56 triệu đồng/ha/năm.

 

 

Thứ tư, Trong chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; tập quán chăn nuôi thả rong đã chuyển dần sang chăn nuôi có đầu tư thâm canh; quy mô của từng hộ đã được nâng lên; công tác giống trong chăn nuôi đã được chú trọng; một số giống có hiệu quả kinh tế cao đã được đưa vào thả nuôi thay thế các giống bản địa có năng suất thấp; tầm vóc của đàn Bò, đàn Lợn đã được nâng lên đáng kể; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã được người dân quan tâm. Đã hình thành 04 trang trại chăn nuôi tập trung và 78 gia trại; nhiều hộ đã đầu tư để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Thứ năm, Trong lâm nghiệp, người dân đã chú trọng công tác đầu tư, thâm canh; một số giống mới có sức sinh trưởng nhanh đã được đưa vào trồng; các biện pháp canh tác đã được thay đổi; giá trị thu nhập từ rừng trồng đã tăng lên rõ rệt, bình quân năm 2019 là 80 triệu đồng/ha/chu kỳ, tăng 32 triệu đồng/ha/chu kỳ so với năm 2015. Làm tốt công tác giao rừng cho cộng đồng quản lý. Đến nay, đã giao được 6.756 ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý và bảo vệ nhằm hạn chế tình trạng phá rừng. Các mô hình làm giàu rừng bằng cây gỗ, lâm sản ngoài gỗ từng bước hình thành và có triển vọng đem lại thu nhập cho người dân, góp phần hướng đến quản lý rừng bền vững, đã trồng được 622 ha mây dưới tán rừng; 297 ha cây bản địa; 40 ha cây dược liệu. Một số mô hình hiệu quả trong lâm nghiệp đã được áp dụng, đặc biệt là mô hình trồng rừng gỗ lớn; nhận thức được hiệu quả của mô hình trồng rừng gỗ lớn, một số hộ trồng rừng đã chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị thu nhập từ rừng. Hiện tại, đã có hơn 160 ha rừng trồng đang thực hiện theo hướng gỗ lớn.

Có thể khẳng định rằng, sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn từ khi thành lập huyện đến nay đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế huyện nhà. Những chuyển biến tích cực của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến nay, đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tiền đề để ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện trong giai đoạn tiếp theo.

Trong thời thời gian tới, sản xuất nông nghiệp huyện nhà đứng trước những thách thức rất lớn, nhất là trong môi trường cạnh tranh gay gắt, biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân và doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) phát triển chậm, chưa thật sự hiệu quả và bền vững; do đó ngành nông nghiệp cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Phải tập trung nguồn lực để thực hiện công tác quy hoạch, khoanh vùng, định hướng nhằm tạo ra vùng sản xuất tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm; hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với quy mô lớn; xây dựng các trang trại, gia trại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; đặc biệt là hệ thống giao thông và thủy lợi.

Hai là: Phải tổ chức xây dựng chuổi liên kết trong sản xuất, trong đó cần chú trọng đến vai trò của HTX; HTX là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, do đó cần nâng cao năng lực cho các HTX để hoạt động có hiệu quả; có xây dựng chuổi liên kết mới làm thay đổi được những điểm yếu của người nông dân; cụ thể như: Thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trồng nhiều loại cây trong một mảnh vườn; thay đổi tập quán sản xuất tự do, không tuân thủ quy trình bằng việc áp dụng một quy trình ổn định, …, khi có liên kết thì đòi hỏi người nông dân phải tạo ra sản phẩm đáp ứng theo quy định của hợp đồng, do đó phải tuân theo quy trình sản xuất.

Ba là: Phải chú trọng đến khoa học, công nghệ; phải áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; như chúng ta đã biết, khoa học công nghệ là chìa khóa cho sự thành công, là khâu then chốt để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp; có công nghệ mới, có công nghệ tiên tiến, mới nâng cao được năng suất, nâng cao được chất lượng nông sản, nâng cao mẫu mã hàng hóa, giảm được giá thành sản phẩm, từ đó mới nâng cao được sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Bốn là: Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; phát triển mạng lưới dịch vụ, đặc biệt là mạng lưới cung ứng vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gắn với thu mua sản phẩm nông sản; cần chú trọng đến mạng lưới tư thương.

Năm là: Xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; có xây dựng thương hiệu mới tạo được lòng tin ở khách hàng, tạo được ấn tượng tốt trong lòng khách hàng; có xây dựng được thương hiệu mới quảng bá được sản phẩm, mới tạo được lợi thế cạnh tranh của nông sản; mới nâng cao được giá trị của nông sản./.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

 

 

 

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.160