Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

CÔNG TÁC DÂN VẬN GÓP PHẦN CHUYỂN ĐỔI NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN TRONG SẢN XUẤT NÔNG - LÂM NGHIỆP, PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ GIA ĐÌNH
False 11535Ngày cập nhật 03/02/2021

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” Nam Đông là huyện miền núi, có 02 dân tộc Kinh và Cơ tu sinh sống. Kinh tế của huyện chủ yếu là nông lâm - nghiệp. Những năm đầu tái lập huyện, kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn; sản xuất nông - lâm nghiệp của người dân chủ yếu du canh du cư, theo hình thức “phát, đốt, cốt, trỉa”. Người dân trồng lúa rẫy còn nhiều, lúa nước thì cấy chay (không bón phân) nên năng suất lúa đạt rất thấp. Kinh tế lâm nghiệp chưa được bà con quan tâm và coi đó là một thế mạnh để đầu tư phát triển sản xuất; Dự án 327 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về trồng rừng được Nhà nước cấp đất và hỗ trợ gạo cho người dân nhưng rất ít hộ dân nhận làm; cây cao su sau khi hết Dự án 327 thì người dân lại bỏ hoang, không chăm sóc. Kinh tế vườn chưa được nhân dân chú trọng; tỷ lệ vườn tạp còn nhiều, đại bộ phận sử dụng đất vườn để trồng sắn hoặc bỏ hoang, từ đó thu nhập kinh tế vườn còn quá thấp. Về chăn nuôi gia súc, gia cầm bình quân đạt thấp và thả rong là chủ yếu và chưa quan tâm đến tiêm phòng cho gia súc dẫn đến hiệu quả thu nhập từ chăn nuôi không cao. Phương thức sản xuất còn nhiều lạc hậu; dụng cụ sản xuất thô sơ, chỉ cái cuốc, cái rựa…; việc chăm sóc, bón phân cho cây trồng dường như không có. Hàng hóa nông - lâm nghiệp làm ra chủ yếu tự cung tự cấp hoặc trao đổi tại nhà, ít khi bán ra thị trường.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và vận động nhân dân thay đổi nhận thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị gặp nhiều khó khăn. Tổ chức, bộ máy cán bộ dân vận, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở vừa yếu lại vừa thiếu; cơ sở vật chất làm việc, kinh phí hoạt động còn rất hạn chế. 

Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trọng tâm là Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 23/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về công tác và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế”; Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình xây dựng nông thôn mới; các dự án đầu tư về phát triển kinh tế… Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án và kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế -  xã hội. Trọng tâm là phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển sản xuất; phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo. Chỉ đạo ngành nông nghiệp lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, đất đai như: Cam Nam Đông, dứa Cayen, chuối đặc sản, chăn nuôi gia súc. Duy trì đầu tư chăm sóc cây cao su theo Dự án 327 hiện có, kết hợp với Dự án đa dạng hóa nông nghiệp để mở rộng diện tích; giao đất và khuyến khích nhân dân trồng rừng kinh tế. Lãnh đạo, chỉ đạo và đưa đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về các xã đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với người có uy tín để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phát triển sản xuất.

Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2016 và giai đoạn 2017 - 2020; huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia trại, trang trại kết hợp với chăn nuôi; trong đó lấy cán bộ đảng viên làm nòng cốt với phương châm thực hiện “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”. Trên cơ sở đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích canh tác; đã hình thành một số trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình có một số cán bộ, đảng viên như: Phan Thế Xê, Nguyễn Sinh, Phan Gia Năm, Diệp Minh Khanh… xã Hương Xuân; Hoàng Quốc Sinh, Hồ Sỹ Thi, Trần Xuân Minh xã Hương Sơn; Nguyễn Tất Phin xã Thượng Quảng... Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị, xã hội đã phát huy vai trò, nhiệm vụ; xây dựng các mô hình trong phát triển kinh tế gia đình như: Mô hình vườn mẫu của Hội Nông dân, mô hình đổi công, tiết kiệm heo đất của Hội Liên hiệp Phụ nữ, mô hình làm ăn kinh tế giỏi của thanh niên… gắn với đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân. 

Từ những việc làm trên, người dân đã thấy được hiệu quả phát triển kinh tế hộ gia đình nên đã hưởng ứng tích cực, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các trang trại, gia trại, phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Những tập quán canh tác lạc hậu, “Phát - cốt - đốt - trỉa” đã không còn, giờ đây bà con đã thay đổi nhận thức, biết đầu tư thâm canh, lấy ngắn nuôi dài. Từ chỗ trước đây, nhân dân không nhận đất để trồng rừng, bỏ hoang cây cao su thì nay việc trồng rừng và trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su đã trở thành phong trào được người dân hưởng ứng rộng khắp; nâng diện tích rừng trồng kinh tế toàn huyện lên 7.095 ha; cây cao su 2.497 ha, cho thu nhập ổn định cho rất nhiều hộ dân. Phong trào làm vườn có chuyển biến, đã có 3.800 hộ hưởng ứng cải tạo vườn tạp, giá trị thu nhập bình quân từ vườn ước đạt 44,5 triệu đồng/ha/năm; trong đó có một số cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân nhân rộng như: Cam Nam Đông 165 ha, Chuối đặc sản 120 ha, Dứa Cayen 45 ha. Mô hình chăn nuôi tập trung đã hình thành, hiện nay có 4 trang trại chăn nuôi tập trung và 78 mô hình gia trại. Hàng hóa nông - lâm nghiệp làm ra từ chỗ bà con nông dân (chủ yếu đồng bào Cơ tu) chỉ trao đổi tại vườn, thì hiện nay đã đưa ra thị trường tiêu thụ, không những bán ở chợ Khe Tre mà còn mở các điểm bán ở Thành phố Huế. Có được kết quả trên là cả một quá trình tuyên truyền, vận động lâu dài đáng trân trọng trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, mà trọng tâm là vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần rất lớn trong chuyển đổi nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân của địa phương.

Đảng viên Diệp Minh Khanh ở xã Hương Xuân

Để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đột phá về ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thứ hai: Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tiếp tục áp dụng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả; đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp, lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường để phát triển; nhân rộng mô hình sản xuất theo phương pháp công nghệ tiến tiến (nhà màng nhà lưới). Phát triển chăn nuôi theo hình thức tập trung, quy mô trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt trong xây dựng mô hình; việc xây dựng các mô hình phải thực sự có hiệu quả để nhân dân thấy được và làm theo.

Thứ ba: Xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực sự gương mẫu, đi đầu, gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình; đầu tư, thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần xây dựng huyện Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới./.

Ban Dân vận Huyện ủy

 

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 452