Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Nam Đông - Tiềm năng cơ hội phát triển
False 22309Ngày cập nhật 28/01/2021

Qua 30 năm tái thành lập (10/1990 - 10/2020), một chặng đường tuy không dài, nhưng cũng đủ để chúng ta nhận ra sự “thay da đổi thịt” từng ngày trên địa bàn huyện Nam Đông cùng với những mục tiêu định hướng rõ ràng để nâng cao tầm vóc của một huyện miền núi.

Huyện Nam Đông nằm ở phía tây Thành phố huế cách thành phố Huế 50 km. Từ khi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng được đầu tư (từ năm 2016) đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho huyện nhà. Nam Đông có quỹ đất nông - lâm nghiệp rộng lớn với 70 nghìn ha đất rừng, trong đó có 30 nghìn ha rừng sản xuất, là nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến nông - lâm sản. Trên địa bàn cũng có nhiều loại đá vôi, đá granit, đá pirit... với trữ lượng lớn, nhất là có 500 triệu m3 đá vôi nằm ở vị trí thuận lợi cho việc khai thác vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng. Huyện còn có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều thắng cảnh và lưu giữ được nhiều di tích, lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ Tu, di tích lịch sử căn cứ địa Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế… có thể phát triển nhiều loại hình du lịch.

Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra chủ trương là song song với việc phát triển kinh tế mà mủi nhọn là nông lâm nghiệp còn tập trung xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, các tuyến đường vào vùng sản xuất tập trung, các cụm công nghiệp, các khu du lịch, dịch vụ…, để từng bước hình thành vùng kinh tế trọng điểm kết hợp với củng cố tiềm lực quốc phòng, tiến dần đến việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Nam Đông ngang tầm với các huyện trong tỉnh. Qua gần ba thập kỷ thành lập, điều ghi nhận đầu tiên là nền kinh tế của huyện đã xóa được nền kinh tế dựa vào nông nghiệp với các cây con nghèo nàn chủ yếu là tiêu thụ trên địa bàn. Từ khi thành lập huyện đến nay, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ban ngành cấp tỉnh đã làm thay đổi diện mạo Nam Đông tạo ra nhiều tiềm năng, cơ hội lớn cho sự phát triển trong thời gian tới.

Về nông nghiệp, Nam Đông là huyện miền núi với lợi thế để phát triển một số cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, cho các sản phẩm đặc thù như: cây Cao su, Cam Nam Đông, Chuối đặc sản, Dứa Cayen…; có đàn trâu, bò; đàn lợn; gia cầm với hàng ngàn con và một số cây con khác. Với đề án phát triển nông nghiệp toàn diện của huyện trong thời gian tới diện tích cam sẽ tăng lên trên 500ha, chuối trên 250ha và dứa trên 120ha, đàn trâu, bò trên 3.700 con; đàn lợn 25.000 con và đàn gia cầm là 4.000 con. Với sản lượng trên đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và đóng hộp là lĩnh vực huyện đang khuyến khích đầu tư.

Về du lịch, điển hình là du lịch sinh thái kết hợp với tắm suối. Với địa hình miền núi có nhiều suối và thác như Thác Mơ; Thác Phướng; Thác Trược; Thác KaZan… xung quanh suối được bao bọc bởi những cánh rừng gần như còn nguyên sinh với có nhiều loài cây cổ thụ tạo cảnh quan tuyệt đẹp. Mỗi khu du lịch lại gắn với các vùng sinh thái đặc thù, có điều kiện kết hợp phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; ngoài ra có dòng sông Tả trạch và các hồ thuỷ điện Thượng Nhật, Thượng lộ tạo các loại hình du lịch trên sông và du lịch trên lòng hồ kết hợp với tắm suối, câu cá và thưởng thức các món ăn của người đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, du lịch văn hoá cũng đang ngày càng được chú trọng, Nam Đông có tỉ lệ đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm gần 50 dân số toàn huyện, nơi đây đang còn nhiều làng nghề và các công trình nhà Gươl truyền thống của đồng bào dân tộc kèm theo điệu múa Tungtung Yayá. Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa huyện Nam Đông nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Để bảo tồn và phát triển các văn hóa Cơ Tu, UBND huyện đang triển khai kế hoạch trùng tu các công trình kiến trúc nhà Gươl và xây dựng Khu bảo tồn làng văn hoá truyền thống dân tộc Cơ Tu thu nhỏ trên diện tích khoảng 10 ha tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lác, nấu rượu cần, các điệu múa, lễ hội cồng chiêng… với mục đích là vừa bảo tồn vừa thu hút khách du lịch tham quan trong thời gian tới. Du lịch suối và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hóa và lịch sử kết hợp với du lịch cộng đồng là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế mà huyện tập trung kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Huyện Nam Đông đang chủ trương phát triển du lịch toàn diện, phấn đấu đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Về thuỷ sản, với địa hình nhiều sông, suối và các lòng hồ thuỷ điện, hồ thuỷ lợi có thể khai thác quanh năm, với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối nhiều và nhiều loài loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá Xanh, cá Chình, cá Leo, cá Trèn và tôm suối, ốc suối, có thể phục vụ cho du khách thưởng thức tất cả các mùa trong năm.

Về tài nguyên khoáng sản, Nam Đông có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, điển hình là đá granite, loại khoáng sản này có độ nguyên khối, lộ thiên nên dễ khai thác, thuận lợi về vận chuyển, đạt chuẩn về độ mịn, độ bóng, độ cứng, có nhiều màu sắc đẹp, có thể chế biến thành các sản phẩm phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất khẩu. Đây là một lợi thế của huyện trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn, huyện chủ trương thu hút vốn đầu tư vào khai thác và chế biến đá granite, xây dựng sản phẩm đá granite trở thành sản phẩm chủ lực có quy mô lớn.

Về sản xuất công nghiệp, huyện đã và đang hình thành hai cụm công nghiệp với quy mô gần 30ha, hiện đang thu hút các ngành sản xuất như chế biến nông lâm sản, may mặc và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với Nam Đông. Trong thời gian tới, huyện Nam Đông sẽ sớm hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và đạt được kết quả đáng kể. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được trang bị đầy đủ, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; huyện cũng đã thành lập Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa liên thông; tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng… Nhờ sự nỗ lực đó, công tác CCHC của huyện được tỉnh đánh giá cao; năm 2019, chỉ số CCHC và DDCI xếp thứ 2/9 huyện, thị xã, thành phố.

Nam Đông cũng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về vai trò của doanh nghiệp; công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường phổ biến, hướng dẫn pháp luật, đồng thời sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã thu hút được các nhà đầu tư với điển hình một số dự án lớn như: Nhà máy may công nghiệp Kim Sora; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi Thác Mơ (Công ty TNHH sản xuất và thương mại YESHUE); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Thác Trượt (Công ty TNHH MTV Đồng Tiến Phương);... Huyện còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai, vay vốn, lãi suất, đào tạo lao động và tích cực vận động các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực không ngừng cùng với phương châm “Nam Đông luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của huyện”, Nam Đông đã và đang tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cởi mở, từng bước để trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

TCKH
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.907.145
Truy cập hiện tại 5.355