Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

NAM ĐÔNG NGÀY ĐẦU TÁI LẬP HUYỆN
False 20224Ngày cập nhật 28/01/2021

Dưới thời chế độ thực dân, phong kiến chia miền núi thừa thiên Huế thành 4 nguồn làm đơn vị hành chính (theo từng nhánh của sông Hương). Vùng đất Nam Đông thuộc nguồn Tả (Tả Trạch) gồm có Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Long và Thượng Quảng. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập, xóa bỏ chính quyền Nguồn, thành lập chính quyền cấp xã thì nguồn Tả được nhập vào huyện Phú Lộc. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 đến năm 1955 chế độ Việt Nam Cộng hòa nhập vào quận Nam Hòa. Sau khi quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất, đến tháng 3 năm 1976 tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới. Từ đây huyện miền núi Nam Đông chính thức mang tên của một huyện đầy đủ như các huyện khác trong tỉnh.

Theo chủ trương của Đảng xây dựng huyện trở thành huyện nông – công nghiệp thành pháo đài về quốc phòng và kinh tế, tháng 3 năm 1977 huyện Nam Đông sáp nhập vào huyện Phú Lộc. Thực hiện chủ trương của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng phù hợp theo nguyện vọng của nhân dân, tháng 10 năm 1990 được Đảng, Nhà nước quyết định tách ra từ huyện Phú Lộc và tái lập huyện. Từ đó đến nay, Nam Đông trở thành một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhìn lại chặng đường khó khăn, gian nan vất vả khi mới tái lập huyện. Trước hết nhìn lại cuộc sống, nơi ăn, chốn ở của nhân dân các dân tộc: Sau khi quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất độc lập, nghe theo tiếng gọi của Đảng một bộ phận nhân dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Thành phố Huế đi lên Nam Đông xây dựng quê hương mới; đồng bào dân tộc sống trên núi cao, rừng sâu, biên giới từ bỏ cuộc sống du canh du cư về lập bản làng với cuộc sống định canh định cư ổn định. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết gắng bó giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng chung sức xây dựng huyện nhà.

Nhưng đứng trước tình hình khó khăn của thời kỳ cơ chế bao cấp kéo dài, cuộc sống khó khăn, vất vã; phương thức canh tác lạc hậu (phát cốt, đốt trỉa), sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, diện tích ruộng lúa nước ít, năng suất thấp, kinh tế vườn kém hiệu quả, nương rẫy bạc màu; cây trồng, vật nuôi chưa được định hình, chăn nuôi kém, sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên.

Cơ sở hạ tầng thiếu và xuống cấp, giao thông đi lại vất vã, khó khăn, chỉ có con đường độc đạo tỉnh lộ 14B từ La Sơn (Quốc lộ 1A đến Nam Đông) trước chiến tranh còn lại chủ yếu là đất, vải đá, toàn huyện không không có một mét đường nhựa hoặc bê tông. Hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm các xã là đường đất, cầu cống chưa có, vào mùa mưa lũ thường xuyên bị chia cắt giữa huyện với tỉnh, giữa huyện với xã, giữa xã với xã, và xã với thôn. Phương tiện đi lại của nhân dân khó khăn hơn, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đi về từ huyện đến Huế và 2 chuyến từ huyện về La Sơn và ngược lại, xã lên huyện chủ yếu đi bộ. Phương tiện đi lại của nhân dân hoàn toàn không có (xe máy), khi đau ốm thì chỉ khiêng, cõng đến Trung tâm Y tế huyện.

Toàn huyện chỉ có một chợ trung tâm ở Khe Tre đã xuống cấp; chợ chỉ được họp vài giờ buổi sáng sớm, nhân dân trao đổi hàng hóa; sản phẩm bán ra phải cùi, cõng từ lúc nữa đêm để về kịp phiên chợ. Ngoài ra còn có một cửa hàng thương mại tổng hợp và 2 điểm bán lẻ những hàng hóa phục vụ cũng thiếu và hạn chế, chủ yếu dầu hỏa, muối ăn.

Việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân còn nhiều khó khăn; bệnh sốt rét thì hoành hành chưa được kìm chế đẩy lùi, các bệnh xã hội còn cao; cả huyện chỉ có một bệnh viện trung tâm chưa đến 40 gường, nhiều xã chưa có Trạm Y tế; toàn huyện chỉ có 03 Bác sỹ vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn. Cơ sở y tế xã chưa có nữ y tá hộ sinh. Đội ngũ y bác sỹ từ huyện đến xã còn thiếu, chuyên môn còn hạn chế, một số bệnh như mổ ruột thừa phải chuyển lên tuyến tỉnh. Cơ sở vật chất còn thiếu và tạm, chưa được kiên cố; phương tiện chuyên chở bệnh nhân chỉ có 01 xe cứu thương phục vụ cho việc chuyển bệnh nhân từ huyện lên tuyến tỉnh.

Giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, trình độ dân trí còn quá thấp, mù chữ và tái mù chữ còn cao. Các bậc học mầm non, mẫu giáo, trung học cơ sở chưa có, chỉ có bậc tiểu học, nhiều xã có trường nhưng còn một số xã chưa có trường tiểu học, phải ghép 2 xã cùng một trường. Trường Thanh niên dân tộc nội trú có nhô lên một số lớp THCS; con e học hết cấp tiểu học, muốn học lên nữa thì phải chuyển về đồng bằng mới có trường để học. Do vậy, những gia đình có điều kiện thì mới cho con em học tiếp, còn những gia đình không có điều kiện thì con e trở lại thất học. Trường lớp còn tạm và thiếu, chủ yếu lợp ngói, phên bằng gỗ mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì lạnh. Đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu, có thầy, cô dạy nhiều môn hoặc chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm; một bộ phận không yên tâm công tác muốn chuyển về đồng bằng, một số phân công đến thì thoái thác nhiệm vụ, cá biệt có trường hợp bỏ nghề.

Ôn tập vùng cao

Đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn quá thấp, các hoạt động lạc hậu, mê tín dị đoan như cưới gả con chưa đến tuổi (tảo hôn), thách thức lễ vật còn phổ biến, chữa bệnh còn tin vào thần linh, thượng đế còn phổ biến chưa được đẩy lùi và xóa bỏ. Nhân dân không nhìn, nghe được truyền hình, không có trạm thu phát lại mà chỉ có 1 trạm truyền thanh phát lại cho khu vực dân cư ở Khe Tre nghe mỗi ngày 2 buổi sáng – tối. Một đội chiếu phim lưu động từ chiến tranh còn lại; thông tin liên lạc còn khó khăn, cả huyện chỉ có 07 điện thoại hữu tuyến của các cơ quan, trạm, đội hiện hữu. Điện lưới, nước sạch, nước họp vệ sinh thì chưa có, nhân dân sống chủ yếu dựa vào nước sông suối. Nhà ở thì tạm, chủ yếu làm tường phên gỗ, tre, nứa, lá; mái lợp bằng tôn bằng lá, Cuộc sống hàng ngày của nhân dân đại đa số là thiếu chất bửa về gạo; tỷ lệ hộ nghèo, đói còn quá cao.

Về tổ chức bộ máy và cán bộ: Cả huyện có 9 xã, có 6 xã đồng bào định canh định cư và 3 xã kinh tế mới. Đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; trình độ học vấn còn quá thấp, cán bộ các xã định canh định cư chủ yếu là tiểu học, nhiều cán bộ mới đang học chưa hết cấp; cán bộ các xã kinh tế mới ngang cấp THCS và nhiều cán bộ cũng mới cấp tiểu học. Trình độ chuyên môn hầu hết chưa được đào tạo, cá biệt có đồng chí mới sơ cấp. Trình độ lý luận Chính trị chủ yếu là cơ sở và sơ cấp, có đồng chí mới đạt trung cấp. Trên cơ sở thông qua thực tiễn và phong trào để lựa chọn và bố trí, ưu điểm của đội ngũ cán bộ là đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc được giao, còn xét về tiêu chuẩn của cán bộ cấp cơ sở thì chưa đạt yêu cầu.

Từ những khó khăn về kinh tế - xã hội, cuộc sống, học hành, chữa bệnh, đi lại cũng như đội ngũ cán bộ; nhân dân thiếu niềm tin, một bộ phận gia đình đồng bào lên xây dựng quê hương mới lại bỏ về quê củ, nhiều gia đình đi vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp, đồng bào định canh, định cư thì lại về phía sau du canh du cư như củ. Trước thực trạng tình hình với những khó khăn, thách thức trên làm cho lãnh đạo huyện trăn trở, suy nghỉ để cùng với nhân dân quyết tâm khắc phục khó khăn vươn lên xây dựng huyện ổn định và phát triển. Công việc đầu tiên và cấp bách đặt ra là tập trung lãnh chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở, ổn định tình hình dân cư, đây là nhiệm vụ song song cùng một lúc.

Khi mới tái lập huyện, đội ngũ cán bộ được tách ra từ huyện Phú Lộc cũng rất thiếu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định 13 đồng chí vào BCH Đảng bộ huyện; 04 đồng chí vào BTV Huyện ủy; 01 đồng chí Bí Thư, 01 đồng chí Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện. Số lượng Đảng viên toàn Đảng bộ có 474 đồng chí; theo yêu cầu để lập các Ban, phòng chuyên môn, các đoàn thể chính trị xã hội phải có đầy đủ để hoạt động. Trước tình hình của đội ngũ cán bộ, nhiều phòng, ban phải thành lập ghép, trong đó có cả khối Đảng và chính quyền, có phòng ban chỉ có 1 đến 2 cán bộ; nhiều cơ quan ghép đảng viên lại thành lập chi bộ cơ sở để hoạt động. Sắp xếp, bố trí nơi làm việc cho các cơ quan ổn định, chủ yếu tận dụng các cơ sở cũ trường học, nhà kho của các công ty, xí nghiệp và một số nhà dân.

Tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân ổn định cuộc sống, không bỏ về quê củ, đồng thời tổ chức đưa một bộ phận nhân dân đồng bào định canh định cư từ phía sau quay trở lại bố trí đất ở, sản xuất, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân để có cuộc sống ổn định hơn. Trong chỉ đạo, huyện tập trung đề ra nhiệm vụ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm từng nhiệm vụ với tư tưởng, quan điểm lấy hộ gia đình làm đối tượng chỉ đạo. Trước hết là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, chủ trương tiếp tục tận dụng những nơi có điều kiện để khai hoang mở rộng thêm diện tích lúa nước, phân bổ lại đất đai cho hộ gia đình (rừng, ruộng, vườn…) để có đất sản xuất. Tập huấn, hướng dẫn cho đồng bào thâm canh cây trồng, đặc biệt là đồng báo định canh định cư biết được làm lúa nước; xác định cây, con chính cho nhân dân để tập trung phát triển. Kinh tế vườn nhà là chuẩn cau, kinh tế vườn đồi là chuẩn keo, vườn rừng là cây lâm nghiệp; lấy kinh tế vườn nhà làm đột phá; chuyển đổi cây chè ở nông trường Nam Đông sang trồng cây cao su; chăn nuôi phát triển theo hướng gia đình, tập trung con bò (laisin) lợn và gia cầm, chăn nuôi có hướng chuồng trại và chăn nuôi chăn dắt để bảo vệ sản xuất. Nhờ xác định đúng hướng nên sản xuất ổn định và phát triển, cuộc sống của nhân dân căn bản hơn.

Hạ tầng giao thông trước hết ưu tiên nâng cấp nhựa hóa và hệ thống cầu cống trục đường tỉnh lộ 14B từ La Sơn đến Khe Tre, đây là trục huyết mạch và đối ngoại của huyện nhằm để khắc phục mưu lũ, chia cắt giữa huyện với tỉnh và thúc đẩy sản xuất phát triển; tiếp tục nâng cấp, làm mới các tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã để đi lại của nhân dân được thuận tiện, giao thương hàng hóa, học hành, chữa bệnh cho nhân dân được kịp thời. Đầu tư xây dựng điện lưới đưa ánh sáng về đến nhân dân, tạo văn minh cho cuộc sống; đến năm 1995 hệ thống điện lưới quốc gia về đến trung tâm huyện lỵ (Khe Tre). Đầu tư xây dựng nhà văn hóa trung tâm huyện.

Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo với quan điểm và tư tưởng lãnh chỉ đạo là tập trung xóa đói chấm dứt bửa ăn không có gạo ăn trong nhân dân; cho nhân dân là cho cần câu để hướng dẫn nhân dân câu con cá chứ không thể cho cả cần câu và cá; đây là nhiệm vụ hàng đầu và thiết thực, thông qua các chương trình mục tiêu được lồng ghép, tập trung hướng dẫn phương thức canh tác, bắt tay chỉ việc hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau kể cả tổ chức cuộc sống trong gia đình cho phù hợp để góp phần thực hiện hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để nâng cao chất lượng cuộc sống, ngăn chặn và đẩy lùi các dịch bệnh xã hội, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; tập trung cũng cố, kiện toàn trạm y tế xã, hình thành mạng lưới y tế thôn, nâng cấp trung tâm y tế huyện, thành lập phòng khám khu vực; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc khám và chữa bệnh; tiếp tục cử đội ngũ y sĩ, y tá đi đào tạo, bồi dưỡng nhiều hình thức, bố trí y sĩ, nữ hộ sinh về trạm y tế xã; tăng cường đội ngũ bác sỹ cho trung tâm y tế huyện và phòng khám khu vực. Từng bước kiên cố hóa hệ thống y tế từ huyện đến xã.

Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công việc đầu tiên là sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ để đi vào hoạt động của bộ máy; khẩn trương mở các lớp học bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ học vấn, tập trung là cấp THCS và THPT; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt, tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ cả về trình độ chuyên môn, chính trị bằng nhiều hình thức vừa học vừa làm, cử đi tập trung các trường tỉnh và trung ương, đồng thời phối hợp với các trường đại học, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh để mở lớp tại huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ vừa học vừa làm. Mở các lớp dạy tiếng dân tộc (Cơ tu) vào ban đêm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, công chức làm phong trào để tạo điều kiện cho cán bộ khi tiếp xúc với người đồng bào nghe được tiếng nói và nói được để đồng bào nghe, để cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. Chính sự qua tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, từ đó khắc phục được thiếu và yếu; đến nay đội ngũ cán bộ cơ bản ổn định, trình độ chính trị, chuyên môn, học vấn được nâng lên; bộ máy các phòng ban có đủ cán bộ để tách ra và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, từng bước bắt tay xây dựng cơ sở vật chất như trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể Mặt trận…để ổn định nơi làm việc.

Một góc đô thị trong những ngày giáp tết

Là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, được tái lập lại năm 1990; có 09 xã, trong đó có 06 xã đồng bào dân tộc định canh định cư, 03 xã đồng bào xây dựng quê hương mới, dân số hơn 18 nghìn người; có 06/09 xã nằm trong diện khó khăn (chương trình 135). Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân có hơn 2/3 dân số thiếu đói, nơi ăn, chốn ở không ổn định, phương thức canh tác lạc hậu (phát cốt, đốt trỉa) diện tích đất sản xuất cả lúa, màu ít, phá rừng làm nương là chủ yếu. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Điện, nước, nghe nhìn chưa có, giao thông đi lại khó khăn; tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, dịch bệnh (nhất là bênh sốt rét) chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học còn cao; đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu; tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của nhà nước còn cao.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Đảng và nhà nước, của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện hổ trợ, giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành, Mặt trận, đoàn thể của Trung ương, của tỉnh, các huyện, thành phố với lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ của đồng bào các dân tộc; phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực tự cường của toàn dân, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, cán bộ và nhân dân huyện Nam Đông phấn đấu, chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước đưa huyện nhà ngày càng phát triển. Là huyện có 02 xã đã hoàn thành tiêu chí xã đặc biệt khó khăn và xin rút khỏi Chương trình 135 đầu tiên của cả nước. Đến năm 2005, huyện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Huyện anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”./.
 

Hoàng Văn Giải, nguyên Bí thư Huyện ủy

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 3.035